Ngày nay, con người dường như đã lãng quên “thành thật” với nhau, bởi vì họ cho rằng đó là cách sống ngây thơ và sẽ không thể nào tồn tại trong xã hội được. Còn bạn thì nghĩ thế nào? Trong khi ai cũng muốn gặp, kết thân với những người “thành thật” mặc dù chưa bao giờ tự hỏi: “mình có thành thật với họ hay không?”
Hiện nay, con người dường như chạy theo quá nhiều những hưởng thụ vật chất, những mong muốn nhận được những cảm xúc tốt, những lời khen màu mè hơn là những góp ý chân thật nên dần dần mà mấy ai còn ý thức mình phải giữ lòng thành thật. Chúng ta cũng chỉ muốn làm người đối diện hài lòng, ngưỡng mộ, nói những lời mật ngọt với chính mình thì làm thế nào mà người khác có thể thành thật với mình hoàn toàn được.
Nhưng thật sự cuộc sống cũng có quá nhiều hiện tượng khiến con người dần mất niềm tin vào người khác. Ví dụ như mình hết lòng đối tốt với người bạn thân/người yêu nhưng đến một ngày họ lại đi kể hết những chuyện thầm kín của mình cho người khác và đó cũng là lý do để người khác dựa vào đó mà chọc giận hay làm những điều xấu sau lưng mình, hoặc là người yêu mình bỗng dưng biến mất và mình chỉ nhận lại được toàn những điều về một người xấu xa từ người đó. Thật là không đáng để đặt niềm tin! Hoặc trên truyền hình cũng có rất nhiều hoàn cảnh, dùng hết niềm tin để yêu, để thương, để hiểu nhưng người đó chỉ toàn nhận lại những điều đau khổ, những sự cư xử tồi tệ. Nên từ đó dường như không còn tin vào bất kì người nào, ai ai mình cũng đặt sự nghi ngờ và sự phòng thủ cả.
Và rồi cũng có rất nhiều người khi thấy ta có lối sống quá chân thật thì lại cho rằng mình là một người ngây thơ. Theo họ phải là một người đầy kỹ xảo trong hành động mới là người thức thời và có thể thành công, có được những điều kiện vật chất xa hoa để hưởng thụ. Vì thế mọi người chọn cho mình những vai diễn thật xuất sắc để diễn ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng đâu ai có đủ sức để luôn tô điểm cho bản thân những lớp phấn son đẹp đẽ, vì thế có lúc nó cũng rơi rụng và theo đó là những niềm tin của mọi người cho chúng ta cũng chẳng còn. Mặc cho chúng ta ra sức biện minh nhưng giờ điều đó đã không còn quan trọng nữa rồi. Phải là một người đầy tình yêu thương và trái tim đủ lớn thì họ mới có thể tha thứ cho chúng ta, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra tiếp theo thì họ cũng sẽ nghi ngờ, đề phòng và xét lại, chứ không bao giờ trao trọn niềm tin cho mình như lúc trước nữa.
Nhưng cũng rất nhiều người luôn có những cách nhìn rất vô tư, hồn nhiên và họ có cuộc sống thật dễ thương, lúc nào họ cũng vui sống với cuộc đời. Điều đó có tốt chăng? hay lúc nào cũng phải đăm chiêu, suy nghĩ, suy tính thì mới là điều tốt? Trong sách “Hiểu về trái tim” Thầy Minh Niệm đã viết rằng: “Mất đi quyền lợi thì ta vẫn còn vạn cách để khôi phục, nhưng lỡ mất đi sự hồn nhiên chân thật thì ta sẽ không biết tìm lại bằng cách nào. Không có sự hồn nhiên linh thiêng ấy, ta sẽ có cái nhìn sai lệch lên mọi đối tượng và hoàn cảnh, rồi ta lại đổ thừa cuộc đời chỉ là những vở tuồng mộng ảo. Rõ ràng, mộng ảo là do chính tâm thức điên đảo của con người dệt nên chứ đó không phải bản chất của cuộc đời. Vì cuộc đời vốn rất tươi đẹp.” Vì thế, chỉ khi nào bản thân thành thật với chính mình với tất cả sự hồn nhiên thì chúng ta mới có khả năng sống thật với người. Và nếu chúng ta gieo những nhân “thành thật” thì chắc chắn mình cũng sẽ nhận được những quả “thành thật”.
Vậy làm thế nào để sống chân thật với chính mình?
Không có một nguyên tắc nào cho ta biết chúng ta nên thành thật như thế nào và mức độ nào là đủ. Bởi vì giá trị hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Nếu một người coi giá trị hạnh phúc của mình là vật chất thì họ sẽ có những cách sống chân thật đủ mức để họ vẫn có thể cạnh tranh trên thương trường. Nhưng nếu một người cho rằng giá trị hạnh phúc của mình là chính là tâm hồn bình an, tâm biết buông bỏ, không mong cầu hay chống đối không cần thiết thì họ sẽ thà để việc hư chứ không để tâm mình hư, vì việc hư thì dễ sửa hơn rất nhiều tâm hư, mà nếu mọi việc thành công mà tâm bất an thì họ cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc, và khi ấy họ sẽ chấp nhận và thành thật với chính mình để không để tâm mình hư.
Muốn thành thật với chính mình thì mình phải làm chủ bản thân. Muốn làm chủ bản thân thì phải hiểu được chính mình. Muốn hiểu được chính mình thì đừng dùng ý thức để kiềm chế, để tô vẽ những điều tốt đẹp cho một màn trình diễn hoàn hảo. Nếu bản thân giận mà không biết mình giận, mình đang ganh tỵ mà cho rằng mình đang phấn đấu thi đua, mình đang khó chịu mà cho rằng mình đang nhẫn nhục, tức là luôn chạy trốn chính cảm xúc của mình, và tìm kiếm những lý do tốt cho những cảm xúc xấu đó. Nếu ta cứ mãi chạy trốn nó thì chẳng bao giờ bản thân tốt lên được bởi vì mình đã bị ý thức làm cho lu mờ và luôn nghĩ rằng mình đã là một người tốt rồi, nhưng thật ra nếu ngồi xuống và nhìn thấu những cảm xúc chưa tốt của mình thì bản thân sẽ phát hiện ra mình cũng là một người cực kì yếu đuối, luôn ganh tỵ với những người xung quanh. Chỉ có khi nào bản thân chấp nhận những cảm xúc xấu như một phần của bản thân, thậm chí là một người bạn thân thì bản thân mới có khả năng chuyển hóa và thay đổi nó tốt hơn.
Vậy cách duy nhất đó là rèn luyện nhìn thấu và chấp nhận những điều chưa tốt ở bản thân, hãy thành thật với chính những cảm xúc, những ý niệm, những hành động của chính mình thì sau đó mới đòi hỏi người khác thành thật với mình. Chúng ta không thể đòi hỏi hay thay đổi ở người khác nhưng bản thân chúng ta thì có thể. Một câu nói mà rất nhiều nhà tỷ phú đã nói đó là thế giới thay đổi khi chúng ta thay đổi. Vì thế cách duy nhất để được gặp những người chân thành là hãy sống chân thành với chính mình, với người thân, với những người xung quanh.
Tất nhiên, rèn luyện là cả một quá trình và cần nhiều thời gian, chúng ta hãy bắt đầu với việc dám nhìn sự việc như nó là, đừng nhìn nó với những ý nghĩ tiêu cực, cũng đừng quá tích cực. Tiếp đến là chấp nhận những cảm xúc của mình ngay tại thời điểm ấy, đừng dùng ý thức để phán đoán hay chuyển nó sang một ý nghĩ tốt hơn, hãy mạnh dạn chấp nhận nó thì chúng ta mới thay đổi, và đỉnh cao sẽ là thay đổi và chuyển hóa- đây là một quá trình dài và cần người hướng dẫn. Nếu chúng ta thật sự muốn thay đổi thì sẽ biết cam kết và sống chân thật với bản thân! Bởi vì khi sống chân thật với bản thân, chúng ta sẽ yêu thương và thấu hiểu chính mình nhiều hơn, làm chủ cuộc đời mình và sẽ không cần phải phụ thuộc vào bất cứ đều gì bên ngoài, chúng ta sẽ biết cách tự tạo hạnh phúc cho chính mình thay vì tìm kiếm điều đó bên ngoài.
Chúc tất cả chúng ta đều có được cuộc sống bình an và làm chủ chính mình, sống thành thật, hạnh phúc!
–Sưu tầm–