Trong Bốn tâm vô lượng “Từ, Bi, Hỷ, Xả” mà người tu cần thực tập thì chữ “Xả” có vai trò đặc biệt quan trọng. “Xả” ở đây mang ý nghĩa là buông bỏ, xả bỏ, không dính mắc vào vật chất hay ý niệm. Sư phụ tôi thường nói: “Chấp vào cái gì thì cái đó làm ta đau khổ”.

Tuy nhiên, để xả bỏ năm dục của con người trên thế gian như tài, sắc, danh, thực, thùy không phải chuyện đơn giản. Người thường thích ôm vào những thứ mà mình cho là tốt, là đẹp. Trong nhà, các vật dụng dù người không cần sử dụng nữa nhưng vẫn cố chấp không chịu từ bỏ hay tặng cho người khác và còn có khuynh hướng tiếp tục mua dự trữ. Người đặt đồ ở ngoài phòng không hết thì để trong nhà kho. Cứ thế, ngày qua ngày, đồ đạc không dùng sẽ bị hư và chiếm chỗ thật lãng phí. Cô gái biết rằng yêu chàng trai ấy mình sẽ đau khổ nhưng vẫn cứ yêu thật sâu đậm và ra sức bảo vệ tình yêu ấy. Vì cô nghĩ rằng mình thực yêu người ấy, không thể sống thiếu người ấy. Cô chấp nhận giữ tình yêu trong đau khổ vì cho đó là đẹp, là lẽ sống của cuộc đời mà không biết rằng cảm xúc ấy chỉ là phi thời còn bản chất tình yêu vốn không có thực. Người thích tận hưởng khổ đau của vô thường do người tự vẽ ra.

Làm rỗng ý niệm

Mỗi một con người đều có quyền sống theo ý nguyện của mình. Người có quyền vui, buồn, giận dữ, yêu thương, ganh ghét, tham lam… Tuy nhiên, nếu không biết tu tập, đôi khi người tự thả trôi bản thân theo hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, vô tình tạo nghiệp mà không biết. Khi bị la rầy, người vô cùng khó chịu. Nhưng thực ra người đang phiền giận lời nói ấy, không phải đối tượng ấy. Nếu không biết thực tập buông xả, người nổi sân đáp lại thì cả hai đều dẫn đến những suy nghĩ, hành động và lời nói tiêu cực gấp nhiều lần so với nguyên nhân ban đầu. Lời nói chỉ là lời nói, nhưng khi tiếp xúc đến tai, người gán vào đó những ý niệm theo cách riêng của mình để rồi đôi khi phải hối hận vì hậu quả của nó. Giận quá mất khôn. Một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng công đức. Nếu không biết buông xả, không tha thứ, không bao dung, và thực sự không có giác ngộ, người đang tự đày đọa bản thân mình và những người thương xung quanh.

Chiếc lá sen ở trong bùn, trong nước nhưng vẫn không bị mục rửa vì lá sen không thấm nước. Cũng như chúng ta ở giữa cuộc đời đầy danh vọng, tiền tài, ăn ngon, mặc đẹp… bao quanh. Nếu chúng ta không biết nhìn nhận những điều đó là vô thường mà cứ mãi chất chứa trong lòng, sống và làm việc cả đời cho những điều ấy thì chúng ta sẽ bị chính những giọt nước ấy thấm vào, gặm nhấm và làm mục nát tâm hồn. Một sinh viên vừa mới ra trường, mong muốn lớn nhất là có được việc làm đúng chuyên ngành. Khi có được việc làm, anh muốn được tăng lương. Khi được tăng lương thì anh lại mong được thăng chức. Cứ thế, anh làm ngày làm đêm để đáp ứng tất cả chỉ tiêu của công ty mà quên đi sức khỏe, gia đình, bạn bè xung quanh. Khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, anh bảo mình cô đơn quá, ba mẹ đã lớn tuổi, bạn bè đã lập gia đình và mình không còn nhiều thời gian để chăm sóc cho những người thương nữa.

Ta thường hay cố chấp kiểu “sống để dạ, chết mang theo” khi bị ai đó làm phật ý. Ta đặt ý niệm không tha thứ cho người ấy đến suốt đời như một hình phạt và để chứng minh sự tổn thương mà người ấy gây ra cho mình lớn như thế nào. Nhưng sự thật hờn giận đôi khi không mang đến hòa bình mà lại gây thêm oan trái. Cụ bà bảy mươi tuổi giận cụ ông tám mươi tuổi hơn mười năm vì trong một cuộc trò chuyện vui, ông đã vô tình nhắc lại chuyện giấu bà đi chơi cùng người khác. Bà vô cùng tức giận và cho rằng ông đã phản bội bà. Bà tâm sự cùng con cái là sao bà đi chùa, tụng kinh, làm phước nhiều mà vẫn không quên được nỗi đau ấy và thường bị mất ngủ. Bà đau lòng, ông cũng phiền muộn theo. Ông không ngờ chỉ vì lời nói vui của mình mà vợ chồng lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Các con của ông bà cũng không vui hơn là bao. Không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề. Như thế, đôi khi chỉ vì một việc đơn giản mà người vọng tưởng biến nó trở thành thảm họa, gây đau thương cho mình và người thân. Sự cố chấp, không bao dung, chưa biết cách buông xả đã làm vô số người ăn không ngon, ngủ không yên, không được tự tại, không có hạnh phúc, và bị dày vò trong các ý niệm mà mình sinh ra. Người thích tận hưởng buồn giận của thế gian. Người thổi khổ đau trong tâm to như quả núi trong khi thực tế nó chỉ như vi trần.

Làm rỗng ý niệm

Cốc nước tinh khiết mà chúng ta uống được từ vòi máy lọc nước là do hệ thống tinh lọc làm việc tốt. Nếu không được lọc, cốc nước sẽ bị bẩn và không uống được. Tâm trí con người cũng thế, nếu không biết cách quán chiếu và buông xả thì mãi chúng ta sẽ ôm ấp những hỗn tạp của trần gian. Vì còn tâm tham và dính mắc nên người sẽ không đủ thời gian và phúc duyên để sống an lạc, có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội. Cơ hội tu tập, giải thoát vì thế cũng thật mong manh.

Khi Đức Phật ra đi, Đức Phật không mang theo bất cứ vật gì vì Ngài đã quán chiếu tất cả mọi thứ đều vô thường và là nguyên nhân của khổ đau, nhân quả. Đức Phật có cung vàng, điện ngọc, có vợ đẹp, con xinh, có ngai vàng, quyền lực… Ngài có tất cả mọi thứ quý giá. Nhưng Đức Phật đã từ bỏ tất cả để ra đi. Đức Phật hiểu được giá trị và bản chất phi thời của tất cả điều ấy nên Đức Phật đã quyết chí tìm nguồn an lạc vĩnh cửu cho nhân loại. Cũng như thế, một người tu muốn giải thoát thì phải tháo hết dây ràng buộc, sống ung dung, tự tại và thanh tịnh thì “Niết Bàn là đây”.

Tôi nhớ Hoà thượng Thiện Siêu có bài thơ rất hay:

“Một chút giận hai chút tham

Lận đận cả đời ri cũng khổ

Trăm điều lành, ngàn điều nhịn

Thong dong tất dạ rứa mà vui.”

Buông tất cả nhưng ta không mất gì cả mà lại được tất cả. Buông bỏ năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; thực tập yêu thương và trân quý hiện tại sẽ mang đến cho ta tất cả sự thanh thản và hạnh phúc của cuộc sống. Hành xả cũng là sự tu tập theo hạnh của Phật Di Lặc để chúng ta luôn hoan hỷ giữa cuộc đời. Người đệ tử Phật muốn được thành tựu trên con đường tu học và nguyện giải thoát cần quán triệt từ “Xả” trong Bốn tâm vô lượng để luôn ghi nhớ mình chỉ có một con đường.

“Sống không giận không hờn không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai

Sống chan hòa với những người chung sống

Sống là động nhưng lòng không xao động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.” 

–Sưu tầm–