Trước tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá, lũ lụt xảy ra liên miên, nhiều nơi vẫn “thi nhau” phá rừng, kể cả rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài…

Những việc làm thiếu ý thức đó không những làm mất đi hệ sinh thái phong phú dưới tán rừng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng chống lụt bão.

Trước tình trạng nói trên, một số người cho rằng quan niệm không đúng về “rừng vàng biển bạc” tưởng như vô tận và là biểu tượng của một đất nước được thiên nhiên ưu đãi.Từ đó đã  giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức không đúng về thực trạng tài nguyên đất nước, có tâm lý chủ quan, ỷ lại vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Ngược lại như nước Nhật, họ giáo dục con em rằng đất nước Nhật nghèo, không có tài nguyên, vì vậy cần cố gắng học tập, trở thành những người sáng tạo trong nghiên cứu đổi mới công nghệ. Còn nước ta thì lại nói với con em rằng Việt Nam “rừng vàng biển bạc”, làm thế hệ trẻ có tâm lý ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Khi thành người lớn rồi, mà nhiều người cũng vẫn chỉ biết dựa vào “đào bới, chặt hạ” thiên nhiên…   

Vậy thực chất vấn đề ra sao? Chúng ta đều biết rằng, một trong những nhiệm vụ của người lớn, của các nhà giáo dục là giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về đất nước, cuộc sống, từ đó hình thành nhân sinh quan, thế giới quan khoa học. “Rừng vàng biển bạc” là câu nói quen thuộc của người xưa, chỉ sự giàu có, quý giá của thiên nhiên đất nước.

Danh nhân Nguyễn Công Trứ đã có dụng ý khi đặt tên hai vùng đất mới do ông tổ chức khai khẩn lập nên là Tiền Hải (biển bạc) và Kim Sơn (núi vàng). Trong cách gọi ấy đã chất chứa tình yêu, niềm tự hào đối với giang sơn gấm vóc!

Liệu có gì sai khi chúng ta nói với con em sự thật về Tổ quốc mình là “rừng vàng, biển bạc”? Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài gần 3.500 km, hàng triệu km2 thềm lục địa, hàng ngàn con sông, với rất nhiều sản vật, diện tích núi rừng chiếm đến 40% với những cánh rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật vô cùng phong phú. Nguồn tài nguyên khoáng sản của chúng ta cũng phong phú, nhiều chủng loại, trải dài từ Bắc chí Nam.Cung cấp cho thế hệ trẻ những tri thức đúng đắn về đất nước, để các em yêu quý, tự hào, có ý thức giữ gìn bảo vệ, phát triển là đạo lý, là nhiệm vụ của các nhà giáo dục. Nếu ai đó nói rằng đất nước ta khô cằn, xơ xác, hóa ra chẳng là xuyên tạc, thiếu trung thực hay sao? Người Nhật họ giáo dục con em họ như vậy, cũng xuất phát từ lòng trung thực, vì đất nước Nhật Bản rất nghèo nàn về tài nguyên, và thường xuyên phải chịu những trận động đất khủng khiếp. Trung thực là nền tảng, là gốc của đạo đức, giáo dục.

Xuất phát từ mong muốn giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phát biểu về đất nước Việt Nam “rừng vàng biển bạc”.

Người nói nước ta “rừng vàng biển bạc” nhằm khẳng định những điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. “Nước ta có “rừng vàng biển bạc”, nhân dân ta cần cù” (Bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo trung ương, ngày 28/11/1959). “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt; Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu…”( Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3 ngày 16/4/1962).

Đặc biệt, trong cách nói “rừng vàng biển bạc”, Bác Hồ đã nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ sau. Người nói: “Ta thường nói “rừng vàng biển bạc”. Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” (Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963).  Trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17/10/1963, Người nhấn mạnh: “Tục ngữ ta có câu “rừng vàng biển bạc”. Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển?”. Như vậy, khi nói “rừng vàng biển bạc”, Bác Hồ đã phê phán mạnh mẽ tệ phá rừng, hủy hoại tài nguyên của địa phương. Những ý kiến của Người hôm nay vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, nhắc nhở chúng ta về ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của Tổ quốc.

Từ đó, ý kiến cho rằng dạy cho thế hệ trẻ về Tổ quốc Việt Nam “rừng vàng biển bạc” làm phát sinh tư tưởng ỷ lại, thiếu cố gắng, hay là nguyên nhân gián tiếp gây nên tệ phá rừng là hết sức sai lầm, hoặc do cố tình xuyên tạc với ý định xấu. Một số người không hiểu vấn đề, chỉ biết nói theo người khác và vô tình đã gây nên những hậu quả không đáng có. Đó là hành vi chạy theo lối “phản biện” hời hợt, vô trách nhiệm.

Giáo dục cho học sinh cũng như thế hệ trẻ có lòng yêu quê hương đất nước, tự hào đúng mức về giang sơn gấm vóc, với “Rừng vàng, Biển bạc”, để từ đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Điều đó là hết sức cần thiết và đúng đắn. Nhưng mặt khác cũng cần giáo dục cho các em hiểu rằng, sự phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay không thể chỉ dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà quan trọng hơn và có ý nghĩa quyết định là “tài nguyên trí tuệ”, “tài nguyên công nghệ” mà các em phải ra sức trau dồi, học hỏi để tiến lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Trên cơ sở được giáo dục toàn diện, thấy rõ vai trò quan trọng của rừng như một mắt xích trung tâm trong hệ sinh thái tự nhiên, các em sẽ có ý thức bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển.

Tình trạng phá rừng hiện nay còn tiếp diễn chủ yếu vì người dân cũng như một số lãnh đạo địa phương còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, chỉ thấy lợi ích trước mắt, chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài, bền vững; mặt khác, công tác quản lý rừng còn lỏng lẻo, chưa phát huy tốt vai trò nhân dân cũng như bộ máy kiểm lâm trong công việc chăm nom bảo vệ rừng.

–Sưu tầm–