Bạn có 1 tỷ đồng trong tài khoản là bạn giàu? Đúng là bạn giàu hơn người có vài trăm triệu thật, nhưng bạn lại nghèo hơn người có 10 tỷ đồng rồi.


Nhiều người có 10 tỷ đồng nhưng tinh thần không thoải mái, lúc nào cũng dằn vặt vì tiền. Như tôi đây, một công chức tỉnh lẻ, lương 3 triệu nhưng có thời gian chăm sóc cha mẹ thì tôi vẫn cảm thấy mình giàu có.

Theo dõi loạt bài về vấn đề giàu nghèo tôi thấy mọi người hầu như chỉ chú trọng về tiền bạc, ai tiền nhiều mới gọi là giàu, ai ít tiền là nghèo.

Quan điểm của tôi thì khác. Giàu hay nghèo do mỗi người tự cảm nhận về cuộc sống của mình có đầy đủ hay chưa? Đầy đủ về mặt vật chất và cả tinh thần, theo tôi mặt tinh thần lại quan trọng hơn vật chất.

Giàu về mặt vật chất là giàu như thế nào? Bạn có 1 tỷ trong tài khoản là bạn giàu? Hay 10 tỷ? Bạn có 1 tỷ thì bạn giàu hơn người có vài trăm triệu, nhưng bạn nghèo hơn người có 10 tỷ. Ý tôi nói ở đây là tính tương đối của vấn đề nên đừng nên đặt nặng việc phân biệt giàu nghèo về mặt vật chất.

Giàu về mặt tinh thần là sao? Tôi có thể làm nhân viên ăn lương nhà nước ở tỉnh lẻ. Lương nhà nước theo mặt bằng xã hội dù sao cũng là tính tương đối, tức là tôi giàu hơn rất nhiều người và nghèo hơn rất nhiều người ở đây, ở tỉnh khác, ở thành phố…

Nhưng tôi cảm thấy mình giàu rồi vì tôi đã chọn đúng, tôi đã chọn tỉnh lẻ ở quê nhà để có cơ hội chăm sóc bà tôi, phụ giúp chuyện gia đình tôi. Tôi rất giàu vì tôi có vợ cũng hiện đang làm gần với tôi, chiều đi làm về có thể chở nhau đi dạo một tí rồi phụ việc kinh doanh của cha mẹ.

Quan niệm giàu nghèo mỗi người mỗi khác. Người coi việc lương hàng tháng cao, có hàng hiệu, xe hơi là giàu. Còn có người chỉ cần có gia đình vui vẻ, ăn đủ sống, tiết kiệm có dư chút đỉnh gọi là giàu.

Có người chỉ cần trả được số nợ 3 triệu đồng đã nợ gần chục năm chưa trả được vẫn coi là mình đã giàu.

3 triệu đồng với các bạn chỉ được một chầu nhậu, mua một cái điện thoại “dởm” là hết. Nhưng nhiều người ta đã khóc rất to, khóc nức nở vì hạnh phúc khi trả được 3 triệu nợ.

Có bao giờ các bạn nghĩ hay gặp những trường hợp sau:

– Bạn nghĩ sẽ cố gắng bươn chải nơi thành phố để kiếm thật nhiều tiền rồi lo cho ông bà cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mình còn sức khỏe mà, mình cứ cày trước chục năm, 15 năm rồi chăm lo mọi người sau cũng được. Nhưng bỗng nhiên, lý do nào đó (bệnh tật, tai nạn, hay thậm chí người nhà bạn có bệnh nhưng giấu) qua đời đột ngột. Bạn chưa kịp làm gì, chưa kịp tăng một món quà nhân ngày đầu lãnh lương hay lên chức thì sao? Bạn đã bỏ qua cơ hội làm người cháu, người con hiếu thảo rồi đó.

– Bạn là đôi vợ chồng trẻ, có chí muốn làm giàu, muốn có nhà nhanh, có xe đẹp, iPhone… nên chấp nhận làm việc xa nhau để có mức lương cao. Vợ ở một tỉnh, chồng một tỉnh, cuối tuần gặp nhau một lần, rồi công việc nhiều hơn, quan hệ xã hội nhiều hơn, thời gian gặp nhau, số lần gặp nhau bị giãn cách ra.

Chồng nhớ vợ, vợ nhớ chồng, hay chồng đi nhậu vợ điện thoại không bắt máy, vợ buồn, suy nghĩ ghen tuông này nọ dẫn đến mất tin tưởng lẫn nhau, tình cảm có dấu hiệu phai nhạt…

Vậy thì theo bạn, mỗi người làm lương cao để làm gì? Bạn có thật sự hạnh phúc? Bạn có là người giàu không?

Bạn là cặp vợ chồng trung niên, có con cái đầy đủ? Bạn là chủ doanh nghiệp, trưởng phòng… Lương bạn rất rất cao, một tháng thu nhập của bạn có thể mua được chiếc xe. Nhưng vì quá lo làm việc bạn cứ tung tiền cho con cái tự đi học, tự đi chơi rồi hư hỏng hết. Ngày nào đó bạn thấy con bạn lên tivi vì tội “đập đá” chẳng hạn thì bạn là người giàu chăng?

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cảm nhận về cuộc sống mỗi người không giống nhau nên đừng quá áp đặt suy nghĩ của mình về vấn đề giàu nghèo lên người khác.

Chỉ có những người làm giàu không chính đáng, những người có sức lao động nhưng không sử dụng hay những người làm thì ít nhưng có tâm lý muốn hưởng thụ, mượn tiền đầu này, vay tiền đầu kia để sống xa hoa lãng phí thì mới đáng trách.

Anh Minh