Không ở đâu có sự an toàn tuyệt đối, cho dù con người đã có thể tính toán sự an toàn ở mọi cấp độ.
Dự cảm, hay nhận thức đúng về vô thường thì con người sẽ biết sống để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không tạo thêm ra những nhân họa.
Thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản đã cướp đi 24.000 người.
Chết không phải là hết
Nhật Bản sắp bước vào mùa lễ hội hoa anh đào trong thương đau của thảm họa động đất sóng thần. Anh đào được người Nhật tôn làm quốc hoa và gửi gắm vào đó nhiều triết lý sống tinh tế. Năm nay sẽ là một năm đặc biệt để người Nhật trải nghiệm sâu sắc về lẽ vô thường, hư ảo của cuộc sống qua từng cánh hoa rơi.
Nữ sĩ Komachi (825-900) cảm nhận: “Anh đào ơi/ nhan sắc phai rồi/ hư ảo mà thôi/ tôi nhìn thăm thẳm/ mưa trên đầu tôi.”
Triết lý Thiền tông càng tô đậm thêm cho người Nhật cảm thức bi ai và hoà điệu đó: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Mọi vật có hình tướng thì đều là vô thường).
Cảm thức ấy cùng với thiên nhiên thay đổi rõ nét trong bốn mùa đã trở thành người thầy vĩ đại giáo dục người Nhật nhận thức hơn ai hết về sự sống hư ảo mong manh: Như sương mai đầu ngọn cỏ, như gió thổi mây bay, như điện chớp, như bọt bóng, ánh nắng…
Người Nhật luôn tìm thấy sự tương đồng giữa thân phận bé nhỏ của con người với từng biểu hiện thay đổi của thiên nhiên. Hoa ấy, người ấy cùng tôn vinh vẻ đẹp của vô thường, vẻ đẹp của sự vắng mặt trong một khoảng thời gian vật lý, trước khi sự tái sinh ở nhiều dạng thức sống khác nhau.
Chết không phải là hết. Không hề là bi quan, tinh thần Thiền tông nói nhiều đến vô thường để sống ung dung tự tại, để đón nhận một giấc mộng nhân sinh ngắn ngủi bằng tinh thần lạc quan, không thất vọng, không sợ hãi.
Ngày 11.3.2011, cả thế giới bàng hoàng và xúc động khi chứng kiến cảnh động đất sóng thần tàn phá miền Đông bắc nước Nhật Bản với hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng chục ngàn người mất tích, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa…
Nhưng từ bàng hoàng xúc động, người dân trên thế giới chuyển sang thái độ khâm phục, ngả mũ trước những hành xử tuyệt vời của người Nhật trước thảm họa. Từ lâu, Nhật Bản vẫn thường được nói đến như một dân tộc thần kỳ, luôn biết vươn lên từ thảm họa và nghịch cảnh.
Thế giới nói nhiều đến lý thuyết “sức mạnh mềm”, và người Nhật đã thể hiện được sức mạnh ấy ngay trong thời điểm thiên tai khủng khiếp tàn phá đất nước của mình.
Rồi đây, người dân thế giới còn sẽ nhắc nhiều đến hình ảnh của một nước Nhật trật tự, kỷ luật và rất mực yêu sự sống. Vì vậy tình người trong thảm họa động đất, sóng thần luôn là tâm điểm của truyền thông thế giới.
Cái chết của bất kỳ người dân Nhật Bản nào trong thiên tai cũng được ứng xử như những cái chết đã được chuẩn bị chu đáo cho một cuộc hành trình mới của sự sống. Biết chết thì sẽ biết sống, đó là quan niệm sâu sắc từ rất lâu của người Nhật.
Nhìn vào những hành xử nhân văn ấy, chợt nhớ đến những câu thơ ngả mũ tiễn biệt xe tang qua phố của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Và người ta không thể không nhớ đến bộ phim Khởi hành (tên tiếng Anh: Departures, có người dịch là Người đưa tiễn) của đạo diễn Yojiro Tokita, giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2009.
Khởi hành đã phác họa sự tinh tế trong ứng xử của người Nhật. Rõ ràng, người Nhật không chỉ tinh tế trong thiền đạo, hoa đạo, trà đạo…, mà con tinh tế cả trong nghề khâm liệm, trong thái độ và cách thức mà họ ứng xử với người quá cố.
Động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ hạt nhân đã trở thành một tương quan nhân quả thống nhất, không thể tách biệt, không thể đổ lỗi, và tất cả những giả định “nếu… thì…”, đều trở nên vô nghĩa trước hiện thực đã diễn ra. Thành ngữ có câu: “Cứ nói nếu thì rều rệu cũng hoá mun lim”.
Trước khi tìm đến sự “an toàn” của một công trình, người ta phải biết cách tạo ra niềm tin về sự an toàn trong từng hành vi ứng xử của cộng đồng, có như vậy mọi người mới có thể chung sức, chung lòng trước mọi thảm họa.
Nội dung của bộ phim, nói về đời sống mưu sinh của một nhạc công chơi cello bị thất nghiệp, anh ta đã tình cờ đến với nghề khâm liệm người chết, một nghề đòi hỏi sự thận trọng, tinh tế và tình yêu thương, cảm thông không phân biệt.
Anh ta đã giấu vợ để làm công việc này. Thời gian đầu, anh bị ám ảnh bởi những xác chết, nhưng sau đó anh càng nhận ra sự cần thiết của công việc khi đem lại cho người còn sống sự an ủi với hình ảnh trang nghiêm nhất, đẹp nhất trước lúc đưa tiễn người quá cố.
Áp lực xảy ra khi vợ anh phát hiện ra sự thật mà bấy lâu anh che giấu, và sự lựa chọn khó khăn đã đến, một là anh phải từ bỏ nghề này, hai là anh không thể tiếp tục sống cùng vợ. Anh cũng đã có ý định bỏ nghề, nhưng mỗi khi chiếc điện thoại reo lên, có một sự thôi thúc ẩn sâu buộc anh phải đến với họ.
Tình cờ trong một đám tang người thân, vợ anh đã hiểu ra công việc đầy lòng vị tha đó của chồng. Sau này, cô chính là người động viên anh khâm liệm cho cha của anh, một người cha đã bỏ anh đi từ khi anh còn nhỏ.
Anh luôn mang trong mình hình ảnh người cha qua ký ức về một viên đá cuội. Khi khâm liệm cho cha, mở bàn tay đang nắm chặt, anh xúc động bởi trước khi chết, cha anh chỉ mang theo mình duy nhất viên đá cuội đó. Kết thúc bộ phim anh đã cầm viên đá cuội áp vào bụng vợ, khi vợ anh đang mang thai,… và một sự sống đang bắt đầu.
Một sự khởi hành lại bắt đầu
Thiên tại ập đến Nhật Bản bằng một thông điệp, với vô thường không ở đâu có sự an toàn tuyệt đối, cho dù con người đã có thể tính toán sự an toàn ở mọi cấp độ.
Dự cảm, hay nhận thức đúng về vô thường thì con người sẽ biết sống để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không tạo thêm ra những nhân họa.
Động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ hạt nhân đã trở thành một tương quan nhân quả thống nhất, không thể tách biệt, không thể đổ lỗi, và tất cả những giả định “nếu… thì…”, đều trở nên vô nghĩa trước hiện thực đã diễn ra.
Thành ngữ có câu: “Cứ nói nếu thì rều rệu cũng hoá mun lim”. Trước khi tìm đến sự “an toàn” của một công trình, người ta phải biết cách tạo ra niềm tin về sự an toàn trong từng hành vi ứng xử của cộng đồng, có như vậy mọi người mới có thể chung sức, chung lòng trước mọi thảm họa.
Nhưng nhiều người Nhật hối hả rời bỏ Tokyo để tránh ô nhiễm phóng xạ lại cho ra một hình ảnh khác, rằng họ sẵn sàng đón nhận mọi thiên tai, nhưng không mặn mà với những “bí mật” (được “bật mí”) của nhân họa, một thứ họa có thể di hại đến nhiều đời.
Bất cứ sự thất tín bội hứa nào với con người, với môi trường sống đều cho ra những hình ảnh bất cập. Tất cả mọi sáng tạo, thành tựu cũng phải đón chờ những thách thức thực sự của thảm họa, khi ấy người ta mới có thể trải nghiệm được những giới hạn của con người mà trân trọng những thời khắc tồn tại mong manh của chính con người.
Tin chắc, người ta sẽ còn nhớ đến phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 18.3 trên truyền hình: “Trong lịch sử của chúng ta, quốc đảo bé nhỏ này đã tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ nhờ nỗ lực của tất cả công dân Nhật Bản. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước từ đầu…”.
Trong niềm bi ai, một sự khởi hành lại bắt đầu đến với dân tộc Nhật Bản. Người Nhật đã có đầy đủ niềm tin và lạc quan để nói với thế giới về một tinh thần “Công dân Nhật Bản”, mà không sợ ai đó nói rằng mình ảo tưởng vĩ cuồng.
Thích Thanh Thắng