Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chiến thắng nhiều lần: Một người chiến thắng cơn buồn ngủ, chiến thắng sự lười biếng, chiến thắng các đam mê… Vậy, đâu là cuộc chiến thắng vinh dự và vinh quang nhất? Câu nói của Platon sẽ giúp chúng ta hiểu và có được câu trả lời, đó là: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” (Platon).
Nghe xong câu nói trên, có gì đó sai sai. Bình thường những cuộc chiến thắng nổi tiếng, ai cũng nghĩ ngay về một học sinh đoạt giải Olympic quốc tế môn này, môn kia hay một cầu thủ bóng đá trong trận World Cup đã mang bàn thắng về nước nhà mà tại sao Platon lại nói như vậy? Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng đi tìm hiểu “chiến thắng” là gì? Chiến thắng là đạt được mục đích sau một thời gian đấu tranh để khắc phục được những khó khăn, thử thách. “Chiến thắng bản thân” là tự đấu tranh với chính mình. Câu nói “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” muốn gửi cho con người bài học, cần phải thoát khỏi lớp vỏ yếu kém của bản thân để dũng cảm đối mặt với trăm chiều thử thách trong cuộc sống.
Ngay từ khi sự sống bắt đầu (mới là thai nhi được hình thành trong lòng mẹ) con người đã phải đối diện với vô vàn hiểm họa để được sinh ra; lớn lên trải qua: lão – bệnh – tử, chưa kể những hậu quả do khách quan gây ra. Nếu bạn chán nản, buông xuôi hay tự cho rằng mình không có đủ khả năng chiến thắng mà bỏ ngay từ đầu thì sự sống của bạn cũng chỉ đến thế thôi, cho dù bạn đang sống thì cũng chỉ là sự tồn tại mà thôi.
Thế hệ trẻ bây giờ thường nhìn vào những thần tượng – Idol để bắt chước. Thế nên điều gì ngăn cản con đường không cho dẫn đến thành công, dù áp dụng nhiều phương pháp khác nhau? Đó chính là con người bạn, bởi vì theo Platon chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất. Bạn biết không, những tiền nhân thành công là vì họ không bao giờ chịu từ bỏ dù gặp nỗi buồn hay thất bại, họ vẫn cố gắng đứng lên và tiếp tục giống như câu nói của một nhà hiền triết kia “Bạn có thể thất vọng nếu thất bại, nhưng bạn sẽ héo tàn nếu không bao giờ cố gắng”. Những người thành công họ luôn luôn coi thất bại là điểm tựa, là “lò xo” để nâng mình lên và ngày càng tiến về phía trước; nói đúng hơn, họ coi “thất bại là mẹ thành công”. Còn chúng ta? Chúng ta chỉ nghĩ đến giây phút hiện tại, thiếu sự kiên trì mà quên rằng muốn làm được điều gì đó cần có thời gian, tập trung cao độ, không bỏ cuộc như Thomas Edison, ông đã mất khoảng 10.000 lần để chế tạo ra bóng đèn.
Thật ra, nếu bạn muốn trở thành người được ngưỡng mộ như câu nói “Trước một bộ óc vĩ đại thì người ta cúi đầu, còn trước một trái tim vĩ đại thì người ta quỳ gối”. Theo tôi cần có rất nhiều yếu tố, bên cạnh yếu tố thiên bẩm bạn cần phải có khả năng vượt qua chính mình, vì đó là thử thách lớn nhất, đối tượng nằm sâu bên trong không dễ gì nhận ra, nhưng hãy nhớ rằng không có gì là không thể. Thật vậy, điều quan trọng là bạn có kiên trì theo đuổi để đạt được điều đó hay không. Giả sử, nếu bạn là một học sinh, liệu có thường xuyên giữ đúng thời khóa biểu hay một người chồng có dám dậy lúc bốn giờ để chuẩn bị cho gia đình bữa sáng không? Trong vài ngày, vài tuần cao hứng thì có thể, nhưng có chắc chắn duy trì trong một năm hay nhiều năm. Đó, bạn thấy không, chỉ những việc nhỏ bé như vậy thôi mà cũng không phải ai cũng có thể chiến thắng nổi bản thân mình.
Nói đến đây, tôi còn nhớ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thời tiểu học. Thầy giáo đọc chính tả cho cả lớp. Khi viết xong đưa cho thầy chấm điểm. Sau khi trả bài, duy nhất cuốn vở của tôi không có điểm mà có dòng chữ đỏ “Kẻ thù lớn nhất của đời người là gì?” Tôi cũng không dám hỏi thầy mấy chữ đó có nghĩa gì. Về nhà đặt cuốn vở đó trước bàn học suy nghĩ một tuần quay lại hỏi thầy, thầy mới nói “nét chữ là nét người” nhìn chữ biết là em lười tập viết”. Từ lúc đó, tôi mới ngộ nhận ra phải chiến thắng chính mình bằng cách ngày đêm luyện chữ, cuối cùng chữ viết của tôi cũng có thể sánh với “rồng bay phượng múa”.
Bạn đã từng đọc cuốn sách “Đời thay đổi khi ta thay đổi” chưa? Đây quả thật là một vấn đề quan trọng. Qua đó, tác giả muốn cho ta thông điệp: Không tỉnh táo để chế ngự mình thì sẽ vấp ngã, không nỗ lực khẳng định mình thì sẽ khó thành công. Thật vậy, nhìn vào đời sống thực tế đã có nhiều tấm gương sáng về cuộc đấu tranh với chính mình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người thầy khi sinh ra đã bị số phận nghiệt ngã nên luôn bị bạn bè trêu đùa. Nhưng khi còn nhỏ, ông đã chuyên chăm luyện viết chữ bằng chân, học hành giỏi giang, thi đỗ trường Đại học Tổng hợp và đã trở thành thầy giáo được thế hệ trẻ ngưỡng mộ noi theo. Bên cạnh đó, Socrate có thể tạm gọi là một trong số những người nói ngọng nhất thế giới. Nhưng ông đã chiến thắng phần khiếm khuyết của bản thân bằng cách, ngậm hòn sỏi gào thét trước sóng biển để sau này trở thành nhà hùng biện. Tiếp theo, anh thiếu cả bốn chi đó là Nick Vujicic, người mà đã truyền bá Phúc Âm và là nhà diễn thuyết nổi tiếng truyền động lực cho cả thế giới. Họ đều không sợ thất bại, không ngại khó khăn, nói cách khác họ là những người “tàn nhưng không phế” vì thành công rất công minh, nó chỉ đến với những người biết cố gắng.
Ngược lại, có rất nhiều người may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả, bố mẹ đã có nhà lầu, xe hơi và đầy đủ mọi tiện nghi khác. Hơn thế nữa, con cái được bao bọc, chở che từ khi còn nhỏ vì thế lớn lên ra xã hội gặp chút sóng gió đã vội vã đầu hàng, những người như thế thật là hèn. Tôi thiết tưởng, dù bạn sinh ra trong hoàn cảnh nào thì hãy ý thức được sự tồn tại của mình, hãy kiểm soát, rèn luyện, học tập và phấn đấu để đối mặt với khó khăn thử thách như câu nói của Nguyễn Bá Học: Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Tóm lại, câu nói của Platon đã rất lâu rồi nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, một bài học vô giá. Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn thành công, trước giờ đi ngủ hãy xét xem mình đã chiến thắng bản thân chưa? Nếu câu trả lời là chưa, hãy ngủ một giấc thật sâu và chuẩn bị hành trang vào ngày mới với tất cả quyết tâm thì chắc chắn thành công sẽ đến với bạn vào một ngày không xa.
–Sưu tầm–