Giữa hàng vạn câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn trong cuộc sống thì câu Dĩ hoà vi quý vẫn luôn gắn liền với mỗi người chúng ta. Đây là lời khuyên của ông bà ta dành cho thế hệ con cháu về thái độ ứng xử giữa người với người trong cuộc sống.
Dù khi còn bé hay lúc trưởng thành, dù sống trong thời đại nào thì bản thân mỗi người đều phải thuộc nằm lòng câu Dĩ hòa vi quý để đối nhân xử thế. Câu tục ngữ này chứa đựng những bài học quý báu mà con người hướng đến để rèn luyện nhân cách, hoàn thiện bản thân, giúp đỡ cộng đồng và được mọi người yêu mến. Tuy nhiên, bạn đã biết chính xác về ý nghĩa của câu nói này. Hãy cùng tìm hiểu để biết cách ứng xử phù hợp, tránh gây phiền phức cho bản.
Dĩ hoà vi quý là gì?
Câu tục ngữ này xuất phát từ những từ mượn tiếng Hán, để hiểu rõ hết được ý nghĩa của nó thì phải phân tích từng từ của câu. Trong tiếng Hán “Dĩ” được hiểu là “lấy”, hay có thể hiểu là xem trọng, đặt lên hàng đầu. “Hòa” là tiếng Hán Việt khá quen thuộc, hòa tức là hòa thuận, hòa đồng, còn “Vi” tức là làm, “Quý” tức là sự quý giá, quý trọng. Như vậy, ta có thể hiểu “Dĩ hòa vi quý” tức là lấy hòa đồng, hòa thuận làm điều quan trọng, xem đó là lẽ quý giá trong cuộc sống, trong mối quan hệ cư xử giữa con người với nhau.
Ý nghĩa của Dĩ hòa vi quý
Từ thời xa xưa con người Việt Nam nổi tiếng với cốt cách thân thiện, hòa hảo với nhau và với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, với đà phát triển không ngừng của xã hội, kéo theo đó là sự phát sinh của nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là trong cuộc sống dân sinh thường nhật. Nếu mọi người không chú trọng vấn đề “hòa khí” thì rất dễ nảy sinh nhiều xung đột, bất hòa, cản trở sự hợp tác, phát triển trên nhiều phương diện.
Câu tục ngữ khuyên chúng ta trong các mối quan hệ nên lấy “hòa” làm trọng, hòa tức là hòa nhã, tôn trọng lẫn nhau, là sự lịch thiệp cần có của mỗi con người hiện đại. Cuộc sống của con người như khối rubik đa sắc, đa diện, do đó chúng ta luôn phải gặp gỡ rất nhiều người, từ đó phát sinh nhiều vấn đề, vui cũng nhiều, nhưng buồn phiền, nóng vội cũng không kém. Nếu ai ai cũng giữ thái độ cứng nhắc, đặt cái tôi của mình lên đầu thì sẽ rất khó khăn trong công việc, tự tạo khoảng cách giữa bản thân và mọi người xung quanh. Hiểu và thực hiện Dĩ hòa vi quý một cách đúng đắn sẽ giúp con người cân bằng được cảm xúc, cư xử một cách tốt đẹp với nhau, tạo đà liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Dĩ hòa vi quý không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà nó còn mang tầm ý nghĩa lớn lao về quan điểm chính trị, xã hội. Trong thời buổi hiện đại, các nước luôn nêu con tinh thần hòa bình, tôn trọng việc đàm phán, thương lượng tránh để xảy ra tình trạng không ai muốn là chiến tranh. Có nhiều vấn đề được giải quyết bằng cách Dĩ hòa vi quý và điều này đã góp phần ảnh hưởng tích cực đến một đất nước, làm thay đổi bộ mặt xã hội.
Dĩ hòa vi quý là làm cho mọi việc yên ổn, trở nên tốt đẹp nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, không dám lên tiếng đấu tranh vì lẽ phải. Thực tế có rất nhiều người sử dụng câu tục ngữ cho các trường hợp cam chịu không dám đấu tranh bảo vệ sự đúng đắn, như thế là đã hiểu lệch thông điệp muốn truyền đạt của người xưa. Bởi vì những trường hợp này không vì mục đích của sự hòa đồng, hòa hợp mà chỉ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình, như vậy là thể hiện sự yếu đuối, nhu nhược của bản thân. Đặc biệt, Dĩ hòa vi quý không phải kiểu ba phải, “nắng bề nào che bề đó” khiến cho bản thân trở nên yếu kém, hèn mọn, không có tiếng nói của riêng mình.
Do đó, cần hiểu đúng nội hàm của câu tục ngữ, chúng ta nên giữ thái độ vui vẻ, hòa đồng, lành mạnh trong các mối quan hệ, trong giải quyết các vấn đề, đặc biệt là các tình huống khó khăn xảy ra. Một thái độ đẹp sẽ giúp hóa giải mọi khó khăn, bế tắc chúng ta gặp phải. Dĩ hòa vi quý sẽ giúp ta có thêm nhiều bạn bè, nhiều đối tác giúp đỡ vượt qua những bước đi khó khăn không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Một số câu nói về nhẫn nhịn, hòa nhã
1. “Tôi càng sống lâu, đọc nhiều, kiên nhẫn hơn và lo lắng tìm hiểu nhiều hơn, tôi dường như càng biết ít đi… Hãy biết vừa phải, có lòng khoan dung, sống nhún nhường, như thế là đủ.” – John Adams
2. “Lòng kiên nhẫn và thời gian làm được nhiều hơn là sức mạnh hay nhiệt huyết.” – La Fontaine
3. “Người có lòng kiên nhẫn có thể đạt được điều mình muốn.” – Benjamin Franklin
4. “Muốn phát tiết thật dễ dàng, muốn nhẫn nại lại rất khó khăn.
Sau khi li hôn vẫn tiếp tục dây dưa.” – Hề Nhạc
5. “Thường khi giây phút không nhẫn, mà sinh ra tai vạ rất to.” – Vương An Thạch
6. “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao.” – Khuyết danh
7. “Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để thêm ta bớt thù.
Có khi nhẫn tỉnh giả ngu
Hơn hơn thiệt thiệt đường tu ai tường.” (Sưu tầm)
8. “Nhẫn là hành vi của người mạnh, là phương thức của người thành công và là sách lược của người chiến thắng. Trong cuộc sống và công việc “Chữ Nhẫn” sẽ tạo cho chúng ta cơ hội.” (Sưu tầm)
9. “Nhịn được cái tức một lúc, tránh được cái lo trăm ngày.
Muốn hoà thuận trên dưới, nhẫn nhịn đứng hàng đầu.” (Sưu tầm)
10. “Nhẫn không phải là nhục, đó là khả năng kiềm chế bản thân thoát khỏi sự nóng nảy, vội vàng. Đó là tố chất đáng quý mà không phải ai cũng làm được.” (Sưu tầm)
11. “Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận
Bình tĩnh sáng suốt lúc gian nan.” (Sưu tầm)
12. “Nhẫn nhục là giữ thái độ hòa hiếu, hóa giải những phiền não do sự sân giận đem lại, và khi sân giận mang lại hầu như không có kết quả tốt đẹp như câu ngạn ngữ “giận quá mất khôn” mà chúng ta từng nghe.” (Sưu tầm)
13. “Khi cơn thịnh nộ qua đi, có thể chỉ còn lại hối hận, vì đó là con đường ngắn nhất dẫn đến sự hiểu lầm và những quyết định sai lầm, thiển cận. Nhưng chỉ cần bình tĩnh, nhẫn nại, không ai phải mệt mỏi và mọi việc sẽ dễ dàng giải quyết hơn nhiều.” (Sưu tầm)
14. “Một câu nhịn, chín câu lành”. (Sưu tầm)
15. “Thêm bạn, bớt thù”. (Sưu tầm)
Khi đứng giữa những tình huống khó xử, cách tốt nhất để giữ lại mối quan hệ tốt đẹp bền vững đó chính là giải pháp Dĩ hòa vi quý. Dĩ hòa vi quý cũng là một trong những cách ứng xử khôn khéo trong cuộc sống, chỉ bằng thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng thì mọi chuyện có thể giải quyết trong êm đẹp và không phải mất lòng ai. Chỉ cần mọi người biết nhường nhịn, chan hòa với nhau một chút sẽ góp phần xây dựng một cuộc sống văn minh và nhiều hạnh phúc.
–Sưu tầm–