Sợ Chết
Con người bị lo âu không phải vì ngoại cảnh mà vì niềm tin và tưởng tượng về đời sống và mọi thứ của mình. Cái chết, chẳng hạn, tự nó không khủng khiếp: Khiếp sợ và kinh hãi chỉ do tâm trí chúng ta tưởng tượng mà ra. Với những kẻ không dám đối đầu với thực tại, khổ đau thật sự khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta biết đương đầu với sự thật, nó sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng khiếp của sự sợ hãi.
Ðời sống ví như viên đạn lao thẳng tới mục tiêu tức cái chết. Nhận thức được như vậy, chúng ta phải can đảm trực diện với hiện tượng tự nhiên này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta phải không sợ chết. Hãy nhớ lại khoa học dạy ta thế nào về tiến trình của cái chết? Nó chỉ là sự xói mòn sinh lý của cơ thể con người. Chúng ta đừng sợ hãi và tưởng tượng hay tiên đoán về những sự khủng khiếp không bao giờ đến cả. Một thầy thuốc nổi tiếng Sir William Oslet nói như sau: “Trong kinh nghiệm hành nghề lâu năm của tôi, tôi thấy hầu hết những người chết thực sự không đau đớn và sợ hãi”
Một trợ y lão thành cho biết: “Hình như thảm kịch lớn nhất đối với tôi là mọi người suốt đời bị nỗi sợ chết ám ảnh. Khi chết đến, ta thấy nó cũng tự nhiên như bản chất cuộc sống. Chỉ có rất ít người sợ chết khi đã sống trọn cuộc đời. Trong tất cả kinh nghiệm tôi đã trải qua, tôi chỉ thấy có một người có vẻ sợ hãi – một phụ nữ đã làm điều dữ cho người chị nay đã quá trễ để hối cải”.
“Một điều lạ lùng và đẹp đẽ sẽ đến dù là nam hay nữ khi họ đã sống trọn đời. Tất cả mọi sợ hãi, hãi hùng đều biến mất. Tôi thường ngắm tia sáng bình minh hạnh phúc trong ánh mắt họ khi họ nhận thức điều đó là sự thật. Ðó là tất cả ân huệ của Tạo Hóa.”
Vì tham sống nên sự sợ chết được hình thành một cách thiếu tự nhiên. Nó tạo lo âu mạnh mẽ trong đời sống đến nỗi làm con người không bao giờ dám mạo hiểm làm điều gì dù đó là lẽ phải. Người đó sống trong sợ hãi lo lắng về bệnh tật và các tai nạn có thể xẩy ra cướp mất mạng sống quý giá của mình. Nhận thức được cái chết là điều không tránh nổi, kẻ yêu đời trần thế sẽ đắm trong nhiệt thành cầu nguyện với niềm hy vọng linh hồn sẽ được lên thiên đàng. Không một ai có thể hạnh phúc giữa cơn lốc của sợ hãi thấp hèn lo lắng như vậy.
Nhưng thật khó có thể coi thường hay không lưu ý đến những bộc phát tự nhiên của bản năng để tự bảo vệ. Tuy nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi này. Hãy quên đi quan niệm về cái ‘tôi’; hãy đem tình thương phục vụ nhân loại và tỏ tình thương với người khác. Say mê phục vụ tha nhân, chẳng bao lâu bạn sẽ tự mình thoát khỏi cái tự kỷ luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, và tự tôn.
Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda Thích Tâm Quang (Dịch)
Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo – Gems of Buddhist Wisdom – Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996 – Thích Tâm Quang dịch