Ảnh Hưởng Vẫn Còn

Ðức Phật nói: “Thân xác con người tuy thành tro bụi, nhưng tên tuổi và ảnh hưởng vẫn còn”. Ảnh hưởng của tiền kiếp đôi khi sâu rộng, mạnh hơn ảnh hưởng của xác thân đang sống với một số khả năng hạn hẹp. Ðôi khi chúng ta hành động theo tư tưởng của những nhân vật mà xác thân đã thành tro bụi. Những tư tưởng như vậy đóng một vai trò quan trọng trong những hành động của chúng ta. Mỗi người sống được cho là hỗn hợp của một phần thân xác tổ tiên đã khuất.

Trong ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói rằng những anh hùng trong qúa khứ, những đại triết gia, những hiền nhân, thi nhân và nhạc sĩ của mỗi dân tộc vẫn đang sống với chúng ta. Vì chúng ta kết nốiä với những liệt sĩ và những nhà tư tưởng trong quá khứ, chúng ta có thể chia sẻ những tư tưởng khôn ngoan, những lý tưởng cao thượng và cả đến âm nhạc bất hủ của nhiều thời đại.

Dù rằng thân xác của họ đã chết, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn. Xác thân chẳng là gì cả mà chỉ là sự tổng hợp trừu tượng sản sinh ra một hỗn hợp thay đổi không ngừng các thành phần hóa chất. Con người hiểu rằng đời sống của mình chỉ là một giọt nước trên con sông đang chảy và nên vui vẻ đóng góp một phần của mình cho dòng sông cuộc sống.

Người không biết bản chất của đời sống, sẽ bị chìm đắm trong bùn lầy của thế gian này. Người đó khóc than, rên rỉ, và đôi khi cũng mỉm cười để rồi lại khóc than. Nhưng khi biết được thực chất của mình, người đó sẽ từ bỏ tất cả những cái tạm bợ và tìm cầu Vĩnh Cửu. Trước khi đạt được Vĩnh Cửu, người đó phải đương đầu với hết cái chết này đến cái chết khác. Vì cái chết không thể chịu đựng nổi, con người có nên cố gắng khắc phục sự tiếp diễn không ngừng cái vòng sanh tử hay không?

Theo Phật Giáo, đây không phải là kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng của chúng ta trên thế gian này. Nếu bạn làm điều thiện với lòng tin tưởng, bạn sẽ có đời sống tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Mặt khác nếu bạn cảm thấy bạn không muốn tái sanh mãi mãi, bạn phải cố gắng phát triển tâm trí và loại bỏ tất cả tinh thần ô trược.

Triết Lý Phật Giáo

Các bậc thánh cao thượng đã đạt được bậc cao nhất của toàn thiện không khóc than trước sự ra đi của những người thân gần gũi vì các ngài đã loại bỏ hoàn toàn được cảm xúc thường tình. Ðức Anurudha, đạt quả vị A La Hán, không khóc khi Ðức Phật nhập diệt. Tuy nhiên Ðức A Nan lúc đó chỉ là Tu Ðà Hoàn mới đạt quả vị thứ nhất trong các bậc thánh, đã không kìm giữ được khóc than. Các tỳ kheo khóc than phải nhớ tới quan niệm của Ðức Phật về những hoàn cảnh có bản chất như vầy:

“Ông A Nan, có phải Ðức Phật đã từng dạy chúng ta rằng những gì sanh ra, những gì hiện hữu, và những gì duyên hợp đều đi đến tan rã? Ðó là tính chất của duyên hợp. Khi duyên hợp xuất hiện chúng phải mất đi – Và khi những duyên hợp đó hết, Tịch Tịnh hiện tiền”. Những lời dạy trên đây mô tả nền móng mà dựa vào đó cấu trúc của Triết Lý Phật Giáo được xây dựng.

Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda Thích Tâm Quang (Dịch)

Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo – Gems of Buddhist Wisdom – Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996 – Thích Tâm Quang dịch