Trong những nỗi đau khuyết tật, mất đi ánh sáng đôi mắt có lẽ là bất hạnh lớn nhất. Vì đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, giúp ta nhìn thấy cuộc đời. Khi thiếu đi ánh sáng, cuộc sống bị hạn chế rất nhiều. Ngay cả việc học hỏi, thực hành Chánh pháp, kể cả hình dung về Đức Phật cũng chỉ cảm nhận bằng cách “nghe” mà thôi.
Vì vậy, mỗi lần bất chợt thấy người khiếm thị hoặc phải chứng kiến những đôi mắt chẳng may chấn thương vùng giác mạc, khiến những bệnh nhân sắp sửa phải đi vào thế giới của màn đêm (vì thiếu nguồn giác mạc để thay thế)… lòng tôi lại trĩu nặng. Việc hiến tặng giác mạc hiện nay là giải pháp duy nhất giúp những bệnh nhân bị tổn thương mắt có cơ may phục hồi nhưng người hiến tặng lại rất hiếm.
Là một Phật tử, cứu giúp người là một việc làm cần thiết. Dù chưa vượt qua được chính mình nhưng tôi luôn khâm phục, ngưỡng mộ sự cao cả của những người tình nguyện hiến tặng các mô tạng và hiến xác cho khoa học.
Điển hình là ca hiến tim vừa qua từ một người chết não để cứu sống một bệnh nhân suy tim tại Bệnh viện Trung ương Huế (1-3-2011) làm mọi người vô cùng cảm động. Một trái tim mới đã hồi sinh sau những ngày suy kiệt sự sống của bệnh nhân Trần Mậu Đức. Nhìn vẻ rạng rỡ vui cười của anh khi được phục hồi sức khỏe, tôi thấy hạnh phúc lây và thầm biết ơn gia đình người hiến tim ấy.
Bởi việc hiến tặng đó tùy thuộc vào chính quyết định của người hiến tặng và những người thân trong gia đình. Và tôi tin rằng đó là một gia đình có nhân cách sống rất đẹp, từ bi và khiêm nhường, hành động trong thầm lặng mà không hề muốn tiết lộ danh tánh thân nhân của mình.
Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Một việc làm rất đáng để xã hội trân trọng và ca ngợi. Vì đến nay, tập quán người Á Đông nói chung phần lớn vẫn còn nặng tâm lý thành kiến, khó lòng vượt qua những tập tục, quan niệm rằng chết phải “toàn thây“.
Nên việc hiến xác và hiến tặng các cơ quan nội tạng (từ người chết não), ngoài sự tự nguyện của người bệnh lúc còn sống còn phải được sự đồng thuận của thân nhân trong gia đình, nhưng để vượt qua rào cản này là điều không phải dễ.
Hiện nay, nhu cầu cấy ghép mô tạng trên cả nước lên đến hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm nhưng nguồn hiến tặng mô tạng vẫn rất khan hiếm. Dầu các trung tâm ghép tạng như: Bệnh viện Việt Đức, Ngân hàng Mắt (Hà Nội), Hội Tim mạch (Huế), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)… luôn kêu gọi sự phát tâm hỗ trợ hàng năm song người tự nguyện hiến tặng vẫn rất hiếm hoi, hãn hữu.
Điều đó cho thấy ngoài sự phát tâm dũng mãnh vô úy và vô ngã của các bậc Thánh, mấy ai có đủ bi nguyện cho sự hiến dâng cao thượng ấy?
Giữa sự ban tặng hiếm hoi đó, năm 2010, có một trường hợp đặc biệt phải kể đến là sự bố thí cao cả của một thanh niên chết não tại Bệnh viện Việt Đức. Anh đã dành toàn bộ mô tạng của thân thể mình để cứu 7 mạng sống. Tấm lòng bao la của anh khiến mọi người xúc động, cảm phục. Theo nhà Phật, đó là bố thí nội tài, một sự bố thí cao quý mà đó cũng là bố thí ba la mật, sự buông xả tuyệt đối vượt lên mọi bố thí bình thường.
Tôi có thể hình dung và đồng cảm được niềm đớn đau của những người hiến tạng vào giờ phút tứ đại phân ly. Tất cả hình ảnh ấy cho tôi liên tưởng đến Thánh hiệu vị Bồ tát Thí Vô Úy Giả – Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi. Vì “Tâm của một người vào phút sắp mạng chung vô cùng mạnh mẽ và nó làm thay đổi hầu hết màu sắc của tâm thức” (Trí Quang Thượng Nhân, NSGN.175).
Đây cũng chính là nỗi trăn trở lớn nhất trong tôi. Dầu hàng ngày, tôi cố gắng nhìn thẳng vào nguồn gốc các nỗi sợ ấy để nhận diện nó.
Nhưng khi tự đặt mình vào giờ phút tử sinh ấy tôi không sao thoát khỏi lo lắng, dè dặt “liệu mình có đủ can đảm đối diện không?”. Tôi như nghe được trong sâu thẳm tiếng nói mạnh mẽ của sự phân vân, lòng chợt buồn, hổ thẹn cho một nội lực kém cỏi chưa đủ năng lực vượt thoát sự chi phối của chấp thủ tự ngã.
Tâm thức và thân xác là một hợp thể liên kết, gắn liền nhau. Chính giây phút cận tử nghiệp ấy góp phần chi phối không nhỏ vào sự tái sanh ở đời sau. Nên việc chuẩn bị cho mình một cái chết thản nhiên là bài học lớn nhất và còn là pháp hành – một quá trình dài nỗ lực tu tập, rèn luyện tâm linh trong mỗi chúng ta.
Theo mục Tư vấn của báo Giác Ngộ, “Để giải tỏa tâm lý sợ hãi, theo đạo Phật, là một quá trình tu tập để chuyển hóa và khai phóng tâm thức. Nhờ sự duy trì tuệ quán thường trực về thân, tâm và thế giới do duyên sinh giả hợp, hành giả sẽ giải thoát mọi khổ đau lo lắng, sợ hãi vì tất cả thuộc tính “cái tôi” đều đã tan biến”.
Lời dạy ấy là động lực cho tôi học cách từ giã nhục thân này, học cách “cho đi” không sợ sệt vì sự dâng tặng nào cũng cần có sự chuẩn bị tư tưởng vững chãi để vươn tới đỉnh cao bố thí ba la mật.
Khi thấu được lẽ vô thường, xem nhẹ sự sống chết, người ta sẽ không còn sự chấp giữ nào đối với tấm thân hư huyễn. Tôi tin, quanh ta vẫn có hàng triệu tấm lòng không thờ ơ trước sự kiện “hiến thân cứu người” và mãi mãi nơi họ vẫn đang vun trồng mục tiêu cùng sự phấn đấu cho tâm nguyện ấy.
Bởi hơn ai hết những tấm lòng ấy đều đã ý thức rõ về hành trình “vượt khó” đầy thử thách của nội tâm chấp ngã, để thiết lập một hành trình “ra đi” bằng sự an định, bình thản.
Phải chăng nơi sâu thẳm trong tâm của mỗi người con Phật vẫn dâng đầy khát vọng xả bỏ “cái tôi”. Được “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” – một tâm nguyện mà người con Phật nào cũng muốn thiết tha thực hiện.
Nhưng để cống hiến mình, đi đến sự dâng tặng tuyệt vời như tấm gương đẹp đẽ của những “trái tim vàng”, ngoài lòng từ bi được nuôi dưỡng, tôi hiểu mình cần phải trang bị nhiều về tinh thần, cần dốc lòng vào sự tôi luyện tâm linh mới có thể thực thi được mơ ước.
Đây là một thử thách đầy chông gai, vì khi sinh mạng được ban tặng làm lợi ích tha nhân đồng nghĩa với việc kiện toàn nhân cách sống và vượt lên sự sinh tử.
Bấy giờ thân tâm đã được tịnh hóa bằng ánh sáng tỉnh giác nên không còn chấp thủ, phiền não, ung dung tự tại nối gót những bậc hiền nhân thanh thản đi qua miền sinh tử.
Chính sự bố thí thân mạng là sự dâng tặng nhiệm mầu, là “lời của trái tim” – lý tưởng đẹp nhất mà Đức Phật và các bậc Thánh hiền đã đi qua và để lại những tấm gương cho hậu thế như Bồ tát Quảng Đức cùng chư vị Thánh tử đạo đã không ngại hiến mình, chọn cái chết đẹp cho sự nghiệp hòa bình và bảo vệ đạo pháp. Đó còn là thân giáo sống động lớn lao mà hàng Phật tử chúng ta cần chiêm nghiệm, học tập.
Để mỗi một sắc thân hư huyễn khi giã từ cuộc đời còn hữu dụng, phục vụ tốt cho các nghiên cứu y học, cho những bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng có hy vọng sống còn, chúng ta cần chiêm nghiệm và hành xử theo “lời của trái tim”.
Hy vọng khi đôi mắt này khép lại, ước nguyện đã đủ duyên, cuộc đời sẽ có thêm hai nguồn sáng từ chính hai màng giác mạc mỏng manh nhỏ bé mà tôi vô cùng hoan hỷ, hạnh phúc gửi gắm lại. Xin hãy đồng hành cùng tôi vươn đến với ước mơ nhỏ bé, ban tặng sự sống cho đời, hỡi những tâm hồn hiền thiện, những trái tim bồ đề.
Mong thay, ngày càng nhiều những sự ban tặng nhiệm mầu…
Pháp Đàm