“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Mỗi lần nghe hoặc thấy đâu đó câu nói này, tôi lại có cảm giác bồi hồi và suy ngẫm về những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Đã rất nhiều lần tôi trộm nghĩ, tại sao con người sinh ra phải chật vật vì miếng ăn? Ăn để sống nhưng sống lại cứ cần phải ăn, một vòng tuần hoàn khiến bao người phải mỏi mệt?
Có vô vàn những số phận bất hạnh, cuộc sống mà ngay cả một bữa ăn cũng trở thành vấn đề to tát thì liệu hàng ngày họ đã phải chịu đựng sống vì cái gì đây? Mà cái ăn quý lắm chứ, lúc đói khổ cùng cực thì được ăn một ít đã thấy hạnh phúc không gì bằng rồi.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Nhu cầu sinh lý được xem là cần thiết nhất của con người. Nó giống như quy luật tự nhiên của cuộc sống, phải có mới được. Và việc ăn uống tất nhiên cũng không ngoại lệ. Nhịn đói thì cũng được đó nhưng nhiều lắm là nhịn được hơn tuần, lâu quá không có gì bỏ bụng thì cũng “chết dần chết mòn” mà thôi. Thức ăn dĩ nhiên là rất quý nhưng đôi lúc chúng ta lại không trân trọng nó. Để đến một ngày có khi nhận ra cũng đã trở nên muộn màng.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Ăn là nhu cầu chung của mỗi người nhưng ăn cái gì phụ thuộc vào đời sống của người đó. Bạn là tầng lớp thượng lưu thì thích ăn thức ăn ở nhà hàng tây, uống rượu vang; bạn là trí thức kiếm được nhiều tiền nên quán ăn sang trọng luôn là những gợi ý không tồi; còn bằng nông dân, công nhân thì trà đá, bánh mì, cơm hộp bình dân,…mà làm tới. Thậm chí nghèo khổ quá thì ăn bậy ăn bạ, ai cho gì ăn nấy không dám đòi hỏi.
Bữa cơm của mỗi người?
Bữa cơm của người giàu có thịt, có cá, rau củ, trái cây đầy đủ,…mà còn là thịt quý, cá ngon nữa cơ. Còn người nghèo chỉ đơn sơ, đạm bạc với rau cà dưa muối. Mà nghèo nhiều thì chẳng có cơm để mà ăn. Người có điều kiện thì có quyền “kén cá chọn canh”, lãng phí thức ăn nếu họ không thích nhưng những người mỗi ngày chỉ mong đủ miếng ăn thì sao? Họ trân quý thức ăn biết chừng nào, vì có lúc đói khổ mới biết cái gì thật sự quý giá.
Hồi nhỏ đi học, mẹ mua cho ổ bánh mì ăn sáng. Tôi ghét lắm, vùng vằng cầm đi rồi vứt ngay trước thùng rác ở công viên. Nhưng mà, tôi lại thấy một cậu bạn trông có vẻ khắc khổ, quần áo tả tơi và mặt mày lấm lem. Cậu nhìn tôi như dò xét và tôi cũng cứ đứng nhìn cậu. Như chờ đợi quá lâu, cậu chạy đến nhanh nhẹn nhặt ổ bánh tôi vừa vứt rồi lao vội đi. Tôi ngạc nhiên vô cùng, bánh bỏ vào thùng rác bẩn như thế thì cậu mang đi đâu nhỉ?
Tò mò lấn át của lý trí. Tôi rảo bước theo cậu để xem chuyện gì xảy ra. Có lẽ như bao câu chuyện mà các bạn đã nhìn thấy xung quanh mình, cậu ấy chia nửa ổ bánh cho một cô bé cũng bộ dạng tương tự. Hai người ăn trong vui vẻ và hạnh phúc. Lúc ấy, tôi mới nhận ra hạnh phúc có khi thật giản đơn.
Nhiều năm sau này, tôi vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết của câu chuyện đó. Khuôn mặt và ánh mắt cậu bạn ấy lúc nhìn tôi khiến bản thân ám ảnh không thôi. Đó là ánh mắt của sợ hãi xen lẫn tủi hổ, cuộc đời công bằng như thế nào mà hai con người như nhau lại mang hai số phận trái ngược? Câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cứ làm tôi nhắc nhở về câu chuyện thuở ấu thơ. Biết đâu cái mà mình không trân trọng lại là điều quý giá với một người khác. Và tôi hiểu rằng, mọi vật đều có giá trị nếu nó được đến đúng nơi cần nó.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Tôi lại nghĩ về “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao, đó là một tác phẩm làm tôi vô cùng xót xa. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà lão đã chịu bao nhiêu vất vả, cực khổ nhưng vẫn chưa bao giờ được một bữa ăn thật sự tử tế. Ngay cả khi bà chết đi vì mấy miếng cơm thừa, người ta vẫn không thôi đay nghiến về một thân phận khốn khổ mà lại lôi điều đó ra làm bài học cho những người làm thuê. Sự mỉa mai cay độc từ trong lời nói đến điệu bộ của người chủ nhà làm cái chết của bà từ đáng thương trở nên đáng trách. Sao giữa người với người mà người ta lại có thể tàn nhẫn đến độ đó?
Hãy đặt mình vào vị trí người khác
Chắc phải ở trong hoàn cảnh chịu đói khổ suốt một thời gian dài, cảnh mà miếng ăn chính là động lực của cuộc sống thì người ta mới biết trân trọng nó. Người xưa dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lúc đói thì được ăn một miếng nhỏ cũng đã đủ thấy hạnh phúc. Đúng là người dư dả thì thấy chẳng có gì, chứ người thiếu thốn thì miếng ăn lại cũng quan trọng như mạng sống vậy.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều hoàn cảnh đói khổ, có người được giúp đỡ thì còn có cơm ăn; số khác có khi chỉ ăn tạm vài thứ nhặt nhạnh trên đường, thậm chí là moi ra từ những nơi đầy rác. Người ta bảo “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Phải đó, tồi tàn đến như thế là cùng. Có những bạn trẻ rất hay lãng phí thức ăn, có lẽ vì họ chưa hiểu giá trị quan trọng của chúng trong đời sống. Ra quán gọi món, động đũa một chút rồi giận nhau bỏ về, đồ ăn cứ bỏ phí ở đó. Chắc họ đâu nhìn thấy cậu bé bán vé số nhìn mấy đĩa thức ăn màu sắc mà nuốt nước bọt ừng ực,…
Kết
Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng nếu ta biết đặt mình vào người đối diện thì mọi chuyện sẽ trở nên thật nhân văn hơn. Thức ăn vốn rất quý, chỉ cần ăn được là đã quý. Hãy sống và trân trọng chính cái đã nuôi sống mình. Bạn có thể chê bai những món ăn nêm vị hơi nhạt hoặc hơi mặn tí rồi bỏ phí không ăn. Nhưng biết đâu lại còn rất nhiều người muốn được ăn nó mà không được. Ông bà ta dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà.
–Sưu tầm–