Lật lại sách vở, có thể hiểu “tiên học lễ, hậu học văn” là trước tiên cần học đúng Lễ, sau đó mới học đến Văn. Đây là câu viết theo thể văn ngôn cổ phong trong chữ Hán, và là phương châm giáo dục, hành động giáo dục của các nhà Nho ngày xưa.
Chữ Lễ (禮), nguyên thủy là hình vẽ một cái mâm, trên bày hai xâu ngọc để dâng lên, thể hiện tư thế thành kính dâng tặng phẩm lên bàn thờ. Dần dà, chữ này được viết lại với chữ Khúc (曲, bài nhạc), và chữ Đậu (豆, hạt đậu), nghĩa là rắc đậu trên đất rồi đánh đàn nhảy múa. Đó chính là nghi thức cầu cúng của người xưa. Hình thái hoạt động đó, gọi là làm Lễ.
Về sau, người ta thấy chữ lễ giống với chữ phong (豐, phong phú) quá, nên đặt thêm bộ Kỳ (cúng bái) vào cho dễ phân biệt, thành chữ Lễ của Hán văn cho đến nay. Cách này cũng giúp nhấn mạnh ý nghĩa động tác Lễ, vì bộ Kỳ được xem là có dáng người chắp tay hành lễ.
Như vậy, với người xưa, Lễ là điều tiên quyết phải ghi nhớ trong cuộc sống, hình thức thể hiện sự thành kính trước những quyền lực siêu nhiên, những thần thánh giấu mặt mà họ tin đang phò trì cho họ. Lễ cũng thể hiện thái độ kính cẩn trước những người đã mất, vọng tưởng tổ tiên ở mỗi người. Sự lễ vì vậy được coi là thước đo văn minh xã hội, trình độ giáo huấn gia đình, ý thức tự tôn cá nhân.
Chữ Văn (文), nguyên thủy vẽ hình một người xăm mình, nghĩa là hình vẽ trên thân thể, về sau được giảng là biểu ý một vật quý đặt trên một cái mâm, và hai tay bê cái mâm dâng lên cao, đó là văn hóa, trình độ phát triển của xã hội loài người. Đây chính là nguyên nhân để nhiều người nghe nói đến từ Văn chỉ nghĩ đến nghĩa văn hóa, hoặc hình thức thể hiện tri thức xã hội, chứ không quan tâm đến nghĩa gốc là hoa văn, vẻ bề ngoài của sự việc.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, bởi vậy cần được hiểu đúng nghĩa, là hình thức học tập của người xưa, giảng rằng, trước hết phải chú ý học tập nội dung lễ tiết, cách ứng xử, giao tiếp, sau đó mới quan tâm đến hình thức sự việc, vấn đề đặt ra, như chữ viết, vật dụng… Câu nói này coi như không đề cập đến các nội dung, tư tưởng, kiến thức cần đào sâu trong tri thức con người.
Đây chính là sự tinh tế trong giáo dục của người xưa, khi đối diện trẻ nhỏ, không yêu cầu chúng phải học tập tri thức, tiếp nạp kiến thức ngay, mà chú ý dạy dỗ cách hành xử, giao tiếp với mọi vật xung quanh.
Cho nên, câu “tiên học lễ, hậu học văn” gần như được đặt ngay tại các lớp học đồng ấu, tiểu học, để định hướng cho giáo viên nắm chắc vấn đề, rèn giũa các tố chất tự nhiên, hành vi ứng xử, kiến thức giao tiếp cho trẻ trước, chưa cần vội vàng dạy kiến thức, bài học cho trẻ.
Sự thật theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, đây cũng chính là cách mà các nền giáo dục tân tiến áp dụng. Trẻ con khi mới đến trường, sẽ được dạy cách chơi đùa, cách giao tiếp nói chuyện với nhau, lễ phép với thầy cô, với người lớn, sau đó mới từ từ bồi bổ tri thức, học vấn. Đây phải chăng chính là những vấn đề mà giáo dục hiện nay gọi là phương pháp giáo dục mới với trẻ em hiện đại?
Một góc cạnh khác của câu cách ngôn, là khi mở rộng phạm trù Lễ, Văn, sẽ tự nhiên thấu hiểu, việc học Lễ chính là biết cách ứng xử đúng mức độ, quy cách giao tiếp với người khác, và quan trọng nhất là phải tôn trọng bản chất, giá trị bên trong mỗi con người. Còn Văn, chính là hình thức thể hiện bên ngoài của mỗi người, như phong cách giao tiếp, trang phục, lời nói… Hàm ý của câu nói, chính là khi gặp gỡ một ai, một vấn đề, hãy nắm bắt, hiểu rõ nội dung, bản chất bên trong, sau đó mới lưu ý đến hình thức bề ngoài. Có câu rằng, “kẻ xăm trổ chưa chắc là kẻ xấu”, chính là ứng vào điều này.
Thực trạng xã hội hôm nay, khi các giá trị truyền thống, nhân bản có phần bị đảo lộn, nhiều người chỉ quan tâm đến giá trị vật chất, để ý đến hình thức bên ngoài, rất đáng cảnh báo. Nhiều người chỉ ngợi ca sắc đẹp, trang phục cầu kỳ, nặng tính vật chất, chăm chăm vào thu nhập nhất thời của một cá nhân, không đề cao những giá trị văn hóa, tri thức, đạo đức của người khác, đó là biểu hiện của nhận thức sai lệch về “tiên học lễ, hậu học văn”.
Bởi vậy, câu cách ngôn này, khi đặt ở môi trường giáo dục sơ khai, hay đặt ở môi trường giao tiếp xã hội, từ lớp đồng ấu đến giảng đường Đại học, đều có giá trị nhắc nhở, lưu tâm cần thiết. Dĩ nhiên, Nho học có những sự biến cải sai lệch, lạc hậu theo lịch sử phát triển, nhưng ý nghĩa cơ bản của giáo dục tri thức trong xã hội loài người, nhìn từ gốc rễ truyền thống, thật sự có nhiều điều rất đáng ghi nhận và tiếp nạp học hỏi.
–Sưu tầm–