Đức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát được người Á Châu thờ cúng trang nghiêm, sùng kính rất sâu xa. Người Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam phụng thờ đức Quán Thế Âm không kém đức Phật. Chúng ta cần tìm hiểu về vị đại Bồ Tát này cùng những công hạnh lớn lao của ngài.


Quán Thế Âm Bồ Tát là do chữ Phạn Avalokitesvara Bodhisatwa. Quán Thế Âm có nghĩa là xem xét, nhận biết nghe thấy các thứ tiếng ở trong cõi đời, mà phần lớn là những tiếng kêu than, cầu cứu; ngài nghe thấy liền tìm cách cứu giúp cho hết đau khổ, được an vui. Chữ Bồ Tát có nhiều nghĩa, nhưng không ngoài ý chính là một vị đã giác ngộ, tuy chưa bằng Phật, nhưng phát nguyện sẵn sàng cứu độ chúng sanh. Bồ Tát có mười đẳng cấp từ thấp đến cao, từ cấp một đến cấp mười, từ sơ phát tâm đến địa vị cao tột, trước khi đắc quả Phật.

Đức Quán Thế Âm là nam hay nữ? Chư vị Bồ Tát không phải là những nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt có sanh có tử, mà các ngài thị hiện ở đời dưới nhiều hình tướng: nam, nữ, già, trẻ, người, thú vật, núi sông… tùy tâm niệm của chúng sanh chiêu cảm mà ứng thân thị hiện, và do chính đức Phật Thích Ca nói ra chúng ta mới biết. Người Trung Hoa và Việt Nam thường tạc tượng đức Quán Thế Âm dưới hình thức một người nữ để tượng trưng lòng đại bi.

Ngài thương xót chúng sanh ví như tình thương bao la của một người mẹ hiền ban cho đàn con, dịu dàng, hiền hòa, ấm áp, hy sinh. Người Tây Tạng lại hay tạc tượng đức Quán Thế Âm theo hình người nam, tượng trưng cho sức mạnh kiên cố, oai dũng để trấn áp tà ma quỷ dữ. Người Tây Tạng tu theo Mật Tông, miệng đọc thần chú, tay bắt ấn quyết để nhiếp phục thân tâm đến chỗ đắc định, phát huy trí huệ.

Thượng Tọa Thích Trí Tịnh dịch kinh Pháp Hoa, dùng danh từ “Ông” để nói về đức Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đã phát huy được trí huệ thần thông diệu dụng gọi là Chủng Loại Câu Sanh Vô Hành Tác Ý Sinh Thân, có thể tùy tâm niệm chúng sanh mà tự nhiên ứng hiện dưới nhiều hình tướng, không nhất thiết phải là người hay vật, nam hay nữ, cho nên được gọi là phi tướng.

Các công hạnh của đức Quán Thế Âm được đức Phật Thích Ca giới thiệu rõ ràng trong Phẩm Phổ Môn, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phổ là rộng, Môn là cửa. Phổ Môn là cửa rộng, cửa lớn.

Đức Quán Thế Âm có oai lực cứu giúp các chúng sanh bị nạn lửa, nạn nước, nạn giết hại, đánh chém, xiềng xích, thù oán, vô minh. Trong kinh nói ai lâm nạn mà chí thành xưng danh hiệu cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì lửa không cháy, nước không trôi, quỷ không hại, xiềng xích không trói, tối tăm thành sáng suốt, thù oán thành thân cận.

Chư vị Phật tử đọc kinh, tìm hiểu theo nghĩa đen, chữ đâu nghĩa đó, nhất tâm thành kính khấn nguyện, được nhiều lợi ích, nhờ lòng thành cảm ứng mà tai qua nạn khỏi. Còn những ai muốn hiểu theo nghĩa bóng, thấy sự hiển lý, do nghĩa đen mà suy tìm ẩn lý tiềm tàng trong kinh thì có thể hiểu như sau: Lửa tượng trưng cho tham dục, nước tượng trưng cho si mê. Quỷ La sát tượng trưng cho sân hận, xiềng xích tượng trưng cho phiền não.

Thù oán tượng trưng cho tư tưởng độc ác… Xưng danh cầu nguyện đức Quán Thế Âm là lập thệ nguyện phát triển lòng đại từ, đại bi, không còn tham, sân, si, không làm việc ác, chỉ làm việc lành, thì không bị những tai nạn hậu quả do các tật xấu gây nên, mà còn chuyển tật xấu thành tánh tốt, nhờ thực hành từ bi mà tâm hết vọng tưởng, được sáng suốt hết vô minh, được giác ngộ an vui. Đó là nói về bảy tai nạn (thất nạn) bao gồm các sự đau khổ trong đời.

Còn vấn đề cầu con trai hay con gái (nhị cầu), nếu nhất tâm xưng niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì sẽ được như ý. Người tu hành mong được giải thoát thì không cầu con, mà cầu phát huy các đức tánh để làm các hạnh lành, vậy cầu con trai có nghĩa là cầu trí huệ, hùng lực, tinh tấn, vững tâm bền chí; còn cầu con gái có nghĩa là cầu sự đoan chánh, phước đức, dịu hiền, mền mại, nhu hòa, nhẫn nhục. Hiểu như vậy thì không còn bị chướng ngại thoái tâm, vì nếu bà nào cầu con trai mà sinh con gái thì buồn, cho rằng đức Quán Thế Âm không linh thiêng, do đó không tin tưởng nữa, bỏ lỡ mất cơ hội tu hành.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát dùng ba mươi hai ứng thân để thị hiện, cứu giúp chúng sanh, tùy theo chỗ ưa muốn, thích hợp với hoàn cảnh thì dễ được chúng sanh tin tưởng nghe lời, dễ khắc phục lòng cang cường, bướng bỉnh, cứng đầu, khó dạy của chúng sanh. Vì sao? Vì người đồng cảnh dễ thông cảm nhau.

Thí dụ: Người nữ thích nghe người nữ khuyên nhủ, quân nhân thích nghe người đồng binh chủng can ngăn hoặc khuyến khích. Học sinh thích nghe lời giáo sư thuyết giảng hơn lời cảnh sát hay quan tòa, lời người có học hợp với giới trí thức hơn bình dân; có người thích nghe bạn bè hơn gia đình v.v… Vì vậy, tùy theo ý thích hoặc lòng mong cầu của chúng sanh mà Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân, tầm thanh cứu khổ.

Về lý mà nói thì chúng sanh đều có Phật tánh, có sẵn tâm từ bi. Khi lắng lòng niệm đức Quán Thế Âm thì tự nhiên nghe tiếng nói phát từ chỗ sâu kín nhiệm mầu, đó là tiếng nói của chân tâm, của Phật tánh, của từ bi hỷ xả; người nào có định là nghe thấy tiếng của lòng mình, ví như đức Quán Thế Âm hiện ra dạy bảo. Người lính cứu hỏa quên mình xông vào nhà cháy để cứu người; bác sĩ, y tá ra chiến trường để cứu chữa quân nhân bị đạn; các tu sĩ hy sinh tận tụy trong các trại cùi, cô nhi viện, nhà dưỡng lão…, biết đâu đó chính là đức Quán Thế Âm đã hiện thân? Tâm đại bi hiển hiện ở mọi người, mọi nơi, mọi thời, mọi cửa vì vậy gọi là Phổ Môn, ai muốn dùng cửa nào để vào nhà Như Lai đều được toại ý.

Trong kinh còn nói: Nếu người nhiều lòng tham dục, sân hận, si mê, mà nhất tâm niện danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa tham, sân, si. Câu này dễ hiểu và có kết quả hiển nhiên nếu thực hành đúng. Thí dụ: Trong lúc chúng ta sắp làm một việc xấu xa mà biết nhớ nghĩ đến đức Quán Thế Âm, nhớ đến lòng từ bi, thì tâm tự nhiên sáng suốt, thanh tịnh, như người mê chợt tỉnh, tất nhiên không dám làm ác nữa, do đó lìa được tham, sân, si.

Kinh còn nói đức Quán Thế Âm ban cho chúng sanh lòng không lo sợ (vô úy). Đúng vậy, chúng ta lo nhiều nỗi: lo ốm đau, sợ tù tội, mất của, lửa cháy, nước trôi, sợ già, sợ chết… chỉ vì chúng ta quá lo cho các xác thân, mong cho nó được khỏe mạnh, đẹp đẽ, sống lâu. Chúng ta ích kỹ, chấp ngã, chỉ nghĩ đến thân mình, của cải của mình, lo giữ cho chặt, cho nhiều đừng để mất.

Nhưng nếu chúng ta biết niệm đức Quán Thế Âm tức là nhớ nghĩ đến sự giác ngộ, giải thoát, từ bi hỷ xả, tình thương rộng lớn, biết rằng thân xác là bất tịnh, thế giới là vô thường, ngũ uẩn giai không, thì còn gì mà lo sợ nữa? Chẳng có gì được (vô sở đắc) thì còn gì để giữ, còn gì để mất, còn gì để lo sợ? Do đó, chúng ta được an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh đổi thay dù thuận, dù nghịch, ví như đã được đức Quán Thế Âm ban cho lòng không sợ sệt (thí vô úy).

Khi niệm đức Quán Thế Âm, chúng ta thường đọc: Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. Linh là linh thiêng, linh nghiệm, nhiệm mầu; Cảm là cảm ứng, cảm thấy, cảm thông. Có cảm là có ứng, mà sự ứng thân này rất linh nghiệm, nhiệm mầu nên gọi là linh cảm. Muốn vậy cần có sự cảm thông giữa chúng sanh đau khổ và đức Bồ Tát đầy lòng từ bi. Người đang bị khổ nạn phải chí tâm nghĩ đến ngài, tâm trụ vào một chỗ nên có sức mạnh, rung động truyền thông đến đức Bồ Tát; ngài tu nhĩ căn viên thông nên nghe được tiếng cầu cứu, liền đến giúp.

Tiếng cầu cứu đó cần mạnh mẽ, chí tâm, thiết tha và nhất là không mang nặng tính chất tham, sân, si thì mới có cảm ứng, ví như chúng ta sử dụng máy thu thanh cần bắt đúng tần số sóng phát thanh thì mới nghe được. Đức Quán Thế Âm Bồ tát là từ bi, là thanh tịnh, là tình thương, thì chúng ta dùng tần số từ bi, thanh tịnh, tình thương sẽ có cảm ứng. Trái lại, nếu chúng ta dùng tần số ích kỷ, tham lam, ngã chấp, cầu trúng số để hưởng sang giàu thì chắc chắc không có sự cảm thông, không được ngài giúp đỡ.


Đức Quán Thế Âm thường được tạc tượng đứng trên tòa sen, tay cầm cành dương liễu, vẫy nước cam lồ. Hoa sen tượng trưng cho thanh tịnh, thơm mát, cành dương liễu thì mềm mại, không hay gẫy tượng trưng cho tình thương rộng lớn, êm dịu, mềm thắng cứng, nhu thắng cương, hiền thắng ác; nước cam lồ có vị ngọt mát làm dịu cơn đau khổ, tức giận, buồn rầu, phiền não, si mê, vọng tưởng; ai nếm được nước cam lồ thì cảm thấy một sự mát mẻ, an lạc, sáng suốt hoàn toàn, như người đó được ăn, người khát được uống, người mù được thấy, người mê được tỉnh. Hình ảnh đó tượng trưng cho lòng đại từ đại bi, tình thương rộng lớn bao la, ai phát khởi được tâm này thì được hết khổ, an vui, lợi mình lợi người.

Đức Quán Thế Âm còn được tạc tượng có ngàn tay, ngàn mắt (thiên thủ, thiên nhãn) diễn tả oai lực của Bồ Tát, chỗ nào ngài cũng thấy, nơi nào ngài cũng tới để đưa tay cứu vớt. Diệu ý của tượng này là tâm đại bi trải rộng khắp không gian và thời gian, soi sáng cho tất cả chúng sanh thấy được chân lý, hiện hành khắp nơi, khắp chốn, không sót chỗ nào, lúc nào. Tượng này cũng còn ẩn nghĩa thâm sâu là những ai tu hành chân chính, minh tâm kiến tánh, thấy được tánh Phật của mình, thấy tất cả, ghi chép tất cả và làm tất cả mọi việc để cứu giúp chúng sanh (hiển tánh và ứng dụng).

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lòng đại bi cứu vớt chúng sanh, tại sao những lời cầu nguyện có lúc ứng, có lúc không? Có người cầu được, có người không được?

Trong kinh dạy: Muốn được đức Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng cứu giúp thì phải có lòng thành, nhớ niệm ngài mà không chút nghi ngờ (niệm niệm vật sanh nghị); khi niệm ngài mà không chút nghi ngờ thì được nhất tâm bất loạn, hoàn toàn tin tưởng vào oai lực tầm thanh cứu khổ của Bồ Tát, niệm tới chỗ quên mình, quên cảnh, chỉ còn có một tâm thanh tịnh, trang nghiêm thì mới cảm ứng với đức Bồ Tát được.

Vì Bồ Tát là tình thương, là thanh tịnh, là hy sinh, là vô ngã, người cầu nguyện cần có những đức tính như vậy mới mong cảm thông, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nếu lời cầu xin nhằm mục đích ích kỷ, danh lợi thì chắc chắn không có cảm ứng, vì luật nhân quả nghiêm minh còn đó, thuận với luật thì thành, trái với luật thì hỏng, đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không làm trái với luật nhân quả được.


Các câu chuyện ứng thân thị hiện cứu giúp nạn nhân của đức Quán Thế Âm thì nhiều vô cùng, nhất là gần đây phong trào vượt biên, bượt biển nguy hiểm vô cùng, hoặc trong các trại tù, đau khổ tột bực, nhiều người đã chí tâm, chí thành cầu nguyện và đã thấy được đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra cứu giúp. Những khi lâm vào cảnh nguy hiểm, bế tắc tột cùng, những lời cầu nguyện thường được nhất tâm, chỉ cầu được thoát khổ nạn, chứ không còn tham lam mong hưởng gì khác, nên dễ được cảm ứng, dễ được đức Bồ Tát tới cứu, thấy có kết quả hiển nhiên. Những việc mầu nhiệm này bất khả tư nghì, ai tin hay không cũng được.

Ngoài việc niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu an thoát khổ nạn, chúng ta còn niệm danh hiệu ngài để cầu siêu nữa. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ là ở Tây Phương Cực Lạc có đức A Di Đà và hai vị Bồ Tát: đức Quán Thế Âm đứng bên tả, đức Đại Thế Chí đứng bên hữu, cả ba vị lúc nào cũng sẵn sàng phóng quang đến tiếp dẫn tất cả những chúng sanh nào muốn về cõi Cực Lạc và đã niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, tín, hạnh, nguyện đầy đủ.

Người tu pháp môn Tịnh Độ khi niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà bao giờ cũng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tiếp theo. Như vậy đức Quán Thế Âm không những tầm thanh cứu khổ ban vui cho người sống, mà lại còn phóng quang tiếp dẫn các hương linh về cõi Tây Phương Cực Lạc, thật trọn vẹn đôi đường, ngài được các Phật tử xưng danh tán thán, cung kính phụng thờ, thành tâm lễ bái, tụng niệm đêm ngày, thật là xứng đáng.

Đời nhiều nỗi khổ, muốn thoát khổ phải niệm Quán Thế Âm, phát khởi và thực hành tâm đại bi. Nếu cứ chữ đâu, nghĩa đó, cứ nhất tâm xưng danh hiệu và nhớ nghĩ đến công hạnh của ngài, thì sẽ được cảm ứng, được ngài hiện thân cứu giúp. Nhưng đọc kinh điển Đại Thừa cầm tìm nghĩa ẩn, diệu lý trong lời kinh, nương sự hiển lý, sự lý viên dung mới đầy đủ, viên thành Phật đạo. Trong Phẩm Phổ Môn có câu:

Diệu Âm, Quán Thế Âm,

Phạm Âm, Hải Triều Âm.

Thắng bỉ Thế gian Âm,

Thị cố ưng thường niệm.


Diệu âm là tiếng huyền diệu, tiếng của cõi lòng thâm sâu, thầm kín, chúng ta phải quay về bên trong mà nghe (phản văn, văn tự tánh); đó là tiếng nói của tâm, tiếng nói vô thanh, tiếng đó lớn như tiếng sấm sét của Phạm Thiên, tiếng gầm của sóng biển, lớn hơn mọi thứ tiếng trong đời, nhưng thường chúng ta không nghe thấy, vì chúng ta đã quen sử dụng đôi tai thịt để nghe các thứ tiếng ngoài đời. Muốn nghe tiếng nói của chân tâm thì phải dụng đôi tai thanh tịnh tâm linh mà quay vào bên trong, bỏ bên ngoài. Nghe được tiếng nói của chân tâm rồi thì là đã có định, mà có định thì phát sinh trí huệ sáng suốt gọi là Bát Nhã Ba La Mật.

Sau khi nghe được tiếng bên trong rồi, chúng ta phải quay ra bên ngoài, nghe tiếng kêu cứu của thế gian (Quán Thế Âm), nhập thế, nhảy vào cõi đời để cứu độ đời, quên mình, hy sinh, đó chính là thực hành Bồ Tát đạo, vô ngã, lợi tha. Điều cần nhớ là tự giác rồi giác tha, tự lợi rồi lợi tha, ví như phải biết bơi rồi hãy nhảy xuống nước cứu người chết đuối thì không bị tổn hại, được lợi mình lợi người. Mình chưa vững mà đã nhảy vào cứu người khác, kết quả là không được việc, cả người bị nạn và người cứu nạn đều chết chìm, không được lợi ích gì, đó là việc làm của người vô trí, thiếu sáng suốt, vào đời để đời độ lại.

Chúng ta cần coi việc cứu giúp người khác là một bổn phận dĩ nhiên phải làm, thấy việc tốt là phải làm, ai cầu là cho, ai xin là giúp, nhưng cần có sức mạnh và sáng suốt, làm với tâm niệm từ bi hỷ xả, vô cầu, vô chấp, không hề mệt mỏi. Khi chúng ta bị đau khổ, muốn cầu được cứu độ thì khi kêu cầu phải nhất tâm, không nghi ngờ, hoàn toàn tin tưởng như con thơ tin cậy mẹ hiền, chính nhờ lòng tin đưa chúng ta vào cửa đạo, đến chỗ hết khổ, an vui, rồi chính chúng ta phải thực hành tâm đại bi mở rộng lòng thương, diệt trừ chấp ngã, lúc đó chúng ta cứu độ chúng sanh, chúng ta là đại diện cho đức Quán Thế Âm, hoặc có thể nói chính đức Quán Thế Âm ứng thân thị hiện vào chúng ta để ban vui cứu khổ, chính là chân tâm lưu lộ vậy.


Minh Tâm