Có bao giờ bạn nghĩ tới điều này? Ai trong đời cũng phải đối mặt với sự già nua nhưng bạn có thể nhận ra Cha Mẹ của mình không còn trẻ nữa là khi nào? Rằng thời gian cho Cha, cho Mẹ đã không còn nhiều nữa !!!

Sự nghiệp có thể chờ, nhưng cha mẹ thì không!!!

Chúng ta thường lấy sự bận rộn để bao biện cho sự vô tâm của bản thân. Nói về việc bận rộn, tôi vẫn phải gặp gỡ bạn bè mỗi tuần, vẫn dành thời gian để đi du lịch và thực hiện những sở thích cá nhân. Bận rộn là lý do chính đáng để tôi nói với cha mẹ khi không thăm nom được ông bà. Và cha mẹ dường như luôn tin điều đó là thật. Đó là lúc tôi biết cha mẹ đã già.

Hoặc khi bạn thấy cha mẹ ngồi một chỗ và nhìn thái độ của con cái để làm theo, khi cha mẹ không còn nhớ rõ mọi việc, có chuyện phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần thì bạn mới nhận ra cha mẹ đã không còn trẻ nữa.

Nhớ lúc được nghỉ về thăm nhà, ngồi xem TV cùng cha. Cha bỗng nói: “Con trai, bật tiếng TV to lên hộ cha đi, cha không nghe rõ”. Mắt chợt ướt ướt. Đột nhiên ý thức được người đàn ông từng đỡ cả bầu trời cho tôi nay đã già rồi, còn tôi, hình như vẫn chưa đủ mạnh mẽ đến mức có thể chống trời thay cha.

“Mẹ ơi, mẹ đọc thử cái truyện này đi, hay lắm ạ!” “Chữ bé thế, mẹ chẳng nhìn thấy gì cả” “…” Ngày xưa: “Mẹ ơi, xỏ kim hộ con với!” Bây giờ: “Con gái, xỏ kim giúp mẹ đi!” Mẹ tôi từng tự hào vì mắt sáng nhất nhà, nay cũng đã phải đeo kính mới có thể đọc sách, xỏ chỉ… Còn cha giờ mỗi lần đi cắt tóc đều phải nhuộm đen.

Tôi nhận ra bóng lưng cha đã bắt đầu còng xuống, trên trán mẹ phủ đầy những nếp nhăn, Tôi càng tự nhắc mình không được yêu sớm, đừng vội vàng lấy chồng, nhưng hiện tại Cha Mẹ lại giục tôi tìm người yêu. Khoảnh khắc ấy, tôi biết Cha Mẹ cảm thấy rằng họ đã già…

Thỉnh thoảng lại được cha nhờ nhổ tóc bạc. Ngày xưa chỉ một, hai sợi là hết, còn bây giờ lại như thể nhổ mãi chẳng xong. Tôi không dám nhổ, cũng không nỡ nhổ tiếp, …

Các bạn sẽ có lúc chợt nhận ra cha mẹ mình đã già và có một sự thật là phía sau sự trưởng thành của bạn chính là sự chậm rãi già đi của cha mẹ từng giờ, từng phút,…

….

Một độc giả chia sẽ câu chuyện của mình: “Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi dạy cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho bà cách tải các ứng dụng, sau đó bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc. Thế rồi mẹ vào, bà lại hỏi về một phần mềm mới. Lát sau, khi tôi đang xoay sở với đống việc, bà ở bếp than thở vọng ra rằng bà không thể dùng được chiếc máy mới. Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang khiến tôi bực dọc, tôi chạy vào bếp và gắt lên với mẹ. Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: “Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ”. “Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được”, tôi sốt ruột bước ra ngoài, để mẹ một mình với cái điện thoại đời mới.

Đêm khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: “Con à, mẹ đã già. Mẹ quên nhanh điều người khác nói. Mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Lúc nấu cơm, có khi mẹ quên cả cắm phích. Con có thể kiên nhẫn hơn với mẹ không?”.

Những dòng mẹ viết làm mắt tôi ướt nhòe. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Tôi dằn vặt mình: Giá như mình có thể kiên nhẫn hơn một chút nữa.

—————-

Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi họ già đi, chính là buộc phải trở nên thận trọng hơn với con mình.

.

Thuở ấu thơ, trong mắt con trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho đứa con.

Nhưng có một ngày, những “ngọn núi” ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi cha mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con. Lý do đơn giản, tuổi tác khiến họ dễ tổn thương hơn. Đó còn là vì con cái dần thay đổi, trở nên thiếu kiên nhẫn, cứ nghĩ mình nhiều kiến thức hơn và dần xem thường người cha, mẹ. Điều đó biến cha mẹ thành một “con nhím” thận trọng.

Khi còn nhỏ, chúng ta dựa vào cha mẹ để bước đi. Giờ cha mẹ đã già, phải dựa vào con cái để di chuyển. Mỗi khi họ chậm chạp, lề mề, hãy nhớ về thuở ban sơ của mình, bạn cũng không khác gì như vậy.

Sinh lão bệnh tử, con người không ai thoát khỏi quy luật tự nhiên ấy. Khi cha mẹ còn trẻ, họ chăm sóc bạn từng tí, bên bạn khi bạn ốm đau. Lúc họ về già, đây là lúc quay lại vòng tuần hoàn ấy.

Khi còn nhỏ, chúng ta luôn cảm thấy phiền hà với những lời khuyên từ cha mẹ, và thắc mắc sao mà cha mẹ lại quá cẩn thận, cứ lo lắng nhiều thứ thế, sao cha mẹ lại cổ hủ và lạc hậu đến thế…? Còn cha mẹ luôn nói lại một câu rằng: “Sau này lớn lên con sẽ hiểu”…

Và khi những đứa trẻ thơ ngây ngày nào lớn lên, trở thành những người cha người mẹ thì họ mới hiểu hết những gì đấng sinh thành của họ nhắn nhủ khi ấy. Càng trưởng thành chúng ta càng thêm hiểu sự hi sinh, khó khăn và gian khổ của việc làm cha làm mẹ, và rằng cha mẹ đã cố gắng làm điều tốt nhất cho chúng ta.

Mẹ à! Nếu nói đến chữ hiếu thì chẳng cần gì phải đợi đến tháng 7 mới bày tỏ tấc lòng đúng không?

Con thật may mắn khi có nhân duyên trụ vào thai Mẹ, để rồi 9 tháng trường cưu mang nặng nhọc, mẹ không hề một tiếng thở than.

Thưa mẹ! Khi con mở mắt chào đời, người đầu tiên con nhìn thấy là Mẹ, lần đầu tiên con khóc, Mẹ là người lau khô nước mắt cho con. Lần đầu tiên con vấp ngã, người nâng đỡ con là Cha và lần đầu tiên con gọi tiếng Mẹ, tiếng Cha, người vui nhất cũng là Cha và Mẹ.

Con thật may mắn khi có nhân duyên trụ vào thai Mẹ, để rồi 9 tháng trường cưu mang nặng nhọc, mẹ không hề một tiếng thở than. Khi con khôn lớn, vì lý tưởng lập nghiệp, con phải xa nhà, xa Cha Mẹ, xa người thân, xa quê hương yêu dấu, bóng Mẹ hiền dần xa cách. Ở nơi xa, không được gần bên Cha Mẹ để phụng dưỡng chăm sóc, con như cánh chim cô lẻ cố đi tìm hạnh phúc cho mình mà quên mất Cha mẹ nơi quê nhà hiu quạnh.

Khuyến Hiếu Ca có dạy: “Cha Mẹ còn trên đời, lãng tử không thấy lạnh”. Ý nói rằng, Cha Mẹ là suối nguồn sưởi ấm trái tim con, dẫu con đi bao xa, chỉ cần biết rằng ở nơi chân trời kia vẫn còn bóng dáng Mẹ, thì vẫn thấy mình không cô độc, nhưng nếu chẳng may Cha Mẹ không còn trên thế gian này nữa thì dẫu đứng giữa biển người, lòng con vẫn cảm thấy bơ vơ. Con sợ, sợ một ngày nào đó không còn được gọi Cha, gọi Mẹ, không còn được ôm lấy Cha mẹ nữa!

Con người ta, chỉ khi đối mặt với sự chia ly tử biệt mới hiểu cảm giác hạnh phúc khi vẫn được gọi hai tiếng ‘cha, mẹ”. Cuộc sống còn dài nhưng thực sự không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Đừng nói ‘đợi một thời gian nữa’ trở thành câu cửa miệng khi muốn làm gì đó cho bậc sinh thành, bởi rất dễ phải hối tiếc cả đời.

Khi cha mẹ vẫn còn có thể đi bộ, hãy đi cùng trò chuyện và đưa họ đi khắp thế giới rộng lớn này. Thành công có thể chờ, nhưng cha mẹ thì không. Lớn lên, bạn sẽ nhận ra mình còn cơ hội được làm tròn chữ hiếu thì đó là hạnh phúc lớn nhất đời”.

Huệ Minh