GN – Tha thứ là không còn kết oán, kết tội nữa: mọi việc coi như kết thúc, đã thuộc về quá khứ, chỉ là quả của nghiệp đã chín muồi và kết thúc.

Nếu tiếp tục phản ứng, hành xử với tâm sân hận, oán thù thì ta đang tạo nguy hiểm cho chính bản thân và cho xã hội, bởi những nghiệp bất thiện sẽ cho quả dữ trong hiện tại và tương lai.

Chúng ta không thể từ bỏ những nguy hiểm nếu không thấy được rõ những nguy hiểm đó và không thể đạt đến những lợi lạc nếu không biết những lợi lạc đó [1].

buongttay.jpg

Nguy hiểm trong sân hận, chấp thủ không tha thứ được mô tả trong các kinh như:

“Này chư hiền, khi một người nổi sân, nó là miếng mồi cho sân, tâm nó bị ám bởi sân nó giết hại chúng sinh…” (A.i,216).

Và lợi ích trong sự an nhẫn, tha thứ được mô tả trong các kinh như:
“Chư Phật dạy, không pháp nào cao hơn kham nhẫn” (D.ii,49).
“Và không Niết-bàn nào cao hơn kham nhẫn” (Dh.184).
“Không ác ý, nhẫn chịu
Phỉ báng, đánh, hình phạt
Lấy nhẫn làm quân lực
Ta gọi Bà-la-môn” (Dh. 399).
Do vậy chúng ta nên vun bồi tu tập từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm vì mục đích tách rời tâm khỏi sân đã được thấy là nguy hiểm, và đưa tâm đến kham nhẫn đã được biết là lợi ích [2].
Có thể tha thứ bằng cách phát tâm nguyện thể hiện ra bằng thân (chắp tay), bằng khẩu (nói rõ bằng lời), bằng ý (hướng tâm tác ý thành tâm tới đối tượng) như sau:

– Vì lầm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác. Xin tất cả hãy mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho tôi (3 lần).
– Tôi xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói, và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho tôi (3 lần).
– Tôi xin thành thật tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ nay làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch (3 lần).
Cần thiết nhất của tha thứ chính là vun bồi tâm Từ Bi Hỷ Xả, tức thể hiện bằng thân khẩu ý mong cho họ cũng như cho bản thân: 1- Có được an ổn thuận duyên (Từ tâm), 2- Mau chóng thoát khỏi khổ đau, bất hạnh đang có (Bi tâm), 3- Mong cho không bị mất đi an vui hạnh phúc đang có (Hỷ tâm), 4- Hiểu biết rằng mỗi chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra (Xả tâm).
Có Từ Bi Hỷ Xả như trên không đồng nghĩa với việc phải kết bạn, phải có tình bạn như giữa những người có cùng sở thích, thói quen, sở trường, sở đoản, cùng mục đích trong cuộc sống, trong công việc v.v… Và lại càng không thể có tình bạn hữu giữa những người không có cùng phạm hạnh, không có cùng chí hướng, không có cùng tâm nguyện bất thối chuyển hướng tới mục đích giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự (Niết-bàn).

Việc kết bạn kết bè có loại tốt đẹp dẫn đến lợi mình lợi người, nhưng cũng có loại xấu xa dẫn đến bè phái, băng nhóm gây nguy hại cho xã hội và chính bản thân cùng gia đình kẻ đó.

Chúng ta không được phép trộn lẫn thiện tâm phạm hạnh cao quý Từ Bi Hỷ Xả với tình bạn cùng những kẻ tà tâm, hạ liệt hoặc vô trí.

Đặc biệt không ngớ ngẩn đến nỗi “Phải cám ơn hoặc biết ơn kẻ thù vì đã dạy cho chúng ta những bài học đắt giá trong cuộc sống (?!)”. Đây là một lời khuyên nhảm nhí, nghe qua có vẻ có ý nghĩa sâu sắc, nhưng xét kỹ lại sẽ thấy sự vô trí, lẫn lộn tốt xấu trắng đen: chúng ta phải rút ra bài học xương máu, xót xa trong những mối quan hệ bất cẩn với những người độc ác, ích kỷ, kẻ thù. Chúng ta có thể tha thứ cho họ những điều xấu xa ác hiểm mà họ đã gây ra cho chúng ta, cho thân bằng quyến thuộc, cho xã hội bằng tâm Từ Bi Hỷ Xả như nêu ở bên trên, nhưng với những kẻ đó dứt khoát không thể cám ơn, không thể bè bạn, không thể chung đường đi tới mục đích tốt đẹp, cao thượng. Chớ có chấp thủ “vô phân biệt” một cách ấu trĩ, ngây thơ, hồ đồ khi chưa qua đến bờ bên kia mà vội rời bỏ con thuyền Chánh pháp nhiệm mầu của Đức Phật, bậc Đạo sư Toàn trí Chánh đẳng giác.

Chúng ta chỉ nên cảm ơn, tri ơn, kính quý, kết bạn đối với những thiện nam tín nữ với đức hạnh trong sạch, đã và đang tạo công đức, phước báu, mang lại lợi lạc cho chúng sinh, đặc biệt là những hành giả, các chư Tăng chân chính, chân tu, các bậc thiện trí thức, chân nhân đã và đang ngày đêm tinh tấn, dũng mãnh, kham nhẫn trên con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự (Niết-bàn), góp phần bảo trì và trao truyền Chánh pháp của Đức Thế Tôn mang lại lợi ích và hạnh phúc tối thượng cho loài người cùng chư thiên.

Quy luật tự nhiên và công minh “Nghiệp và Quả của nghiệp” sẽ thưởng phạt công bằng cho tất cả chúng sinh, không chỉ ngay trong kiếp sống hiện tại, mà còn trong các kiếp luân hồi cho đến ngày chứng ngộ Niết-bàn, chấm dứt sinh tử trong Tam giới.

Đức Phật đã có lời khuyên rõ ràng, như trong kinh Pháp cú:

61. Tìm không được bạn đường
Hơn mình hay bằng mình
Thà quyết sống một mình
Không bè bạn kẻ ngu.
78. Chớ thân với bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân.
Trong trường hợp khi Từ Bi Hỷ Xả của ta chưa được vững chắc, tâm vẫn còn khó chịu, bức bách mỗi khi gặp mặt tiếp xúc với họ thì cũng không nên miễn cưỡng. Vào lúc thích hợp, khi tâm ta tương đối quân bình hãy thách thức nói thẳng với họ rằng tốt nhất đường ai người đó đi, nước sông không phạm nước giếng, nên tránh việc tiếp xúc trong khả năng có thể thì càng tốt cho cả đôi bên.

Theo bài kinh “Tất cả các lậu hoặc”[3], tránh tiếp xúc này chính là pháp đoạn trừ lậu hoặc, phiền não bằng “Né tránh”, một trong bảy pháp đoạn trừ phiền não có thể áp dụng, đó là:

1- Ðoạn trừ bằng tri kiến là không để ý chuyện không đáng để ý, và chỉ tác ý những gì cần tác ý. Cần phải tác ý như lý và thấy rõ những gì không đáng tác ý. Không đáng tác ý là những vấn đề liên hệ đến bản ngã trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nguồn gốc của sáu tà kiến về tự ngã.

Bị trói buộc bởi những tà kiến ấy, phàm phu không thoát khỏi sinh già chết sầu bi khổ ưu não. Ngược lại, Thánh đệ tử nhờ tác ý như lý “đây là khổ”, “đây là nguyên nhân khổ”, “đây là khổ diệt”, “đây là con đường đưa đến diệt khổ” mà ba kiết sử thân kiến, nghi, giới cấm thủ được trừ diệt. Ðấy gọi là đoạn trừ bằng tri kiến.
2- Ðoạn trừ bằng phòng hộ là giữ gìn chính niệm khi sáu căn tiếp xúc sáu trần.
3- Ðoạn trừ bằng thọ dụng là biết đủ đối với bốn vật dụng cho ăn, mặc, ở, bệnh.
4- Ðoạn trừ bằng kham nhẫn là hoan hỷ chịu đựng những cảm giác khó chịu về thân tâm.
5- Ðoạn trừ bằng tránh né là tránh những người, vật, nơi chốn nguy hiểm, có thể làm phát sinh phiền não.
6- Ðoạn trừ bằng trừ diệt là không chấp nhận cho dục niệm, sân niệm, hại niệm khởi lên, diệt trừ chúng ngay trong mầm mống.
7- Ðoạn trừ bằng tu tập là thường tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả. Trong bảy pháp, niệm hay chính niệm cần luôn luôn có, sáu pháp còn lại thuộc vào hai nhóm: trạch pháp, tinh tấn, hỷ thuộc “động”, khinh an, định, xả thuộc “tĩnh”. Khi tâm lừ đừ, nên tu tập các pháp động; khi tâm quá hăng hái, nên tu các pháp tĩnh để quân bình, như thợ luyện vàng.
Sân hận là một trong những uế nhiễm của tâm, gây đau khổ phiền não, tạo thành chướng ngại cản trở tâm đắc Định, Tuệ dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử.

Cần học tập và thực hành đúng đắn, kiên nhẫn từng bước cơ bản thì mới có thể có cơ hội đoạn tận tham sân si, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự.

Viên Phúc Sumangala/ Báo Giác Ngộ