Tinh tấn là sự siêng năng cần mẫn, nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng đến mục đích cao thượng, hạnh phúc và bình an.
Tuy không phải là yếu tố đứng đầu trong Bát Chánh Đạo nhưng đây là một cấu thành quan trọng trên con đường diệt khổ mà Đức Phật đã chiêm nghiệm sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề.
Để hiểu đúng Hạnh Tinh Tấn, người Phật tử cần phải thông suốt cốt lõi của Chánh Tinh Tấn.
Khi giảng về Hạnh Tinh Tấn, Đức Phật đã thâu tóm qua bài kệ sau:
Không làm các điều ác,
Dấn thân các việc lành.
Giữ động cơ thanh tịnh,
Là tinh hoa Phật dạy.
Không làm việc ác bao gồm 2 yếu tố, một là không để các ý nghĩ bất thiện nảy sinh, hai là khi các ý nghĩ bất thiện đã nảy sinh thì phải kiên quyết, nỗ lực đoạn tuyệt nó.
Yếu tố thứ nhất được xem như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tuy nhiên rất khó để thực hành. Vì khi các ý nghĩ bất thiện chưa nảy sinh, chưa rõ hình thù, ta không thể nào biết nó có thể lớn mạnh đến đâu hoặc có thể gây ra hậu quả gì để có sự phòng bị. Ví dụ như, một người đang trong tình cảnh khó khăn, người thân lại đau ốm, trong lúc túng quẫn dễ nảy sinh những ý nghĩ bất thiện để kiếm tiền, dù trước đó họ chưa bao giờ có ý nghĩ làm việc xấu. Vậy nên, để thực hành yếu tố này, bản thân mỗi người cần nỗ lực rất nhiều để giữ sự kiên định, tránh xa những con người, môi trường phức tạp, không lành mạnh.
So với yếu tố thứ nhất thì yếu tố thứ hai được xem như một người đã mắc bệnh và cần được chữa bệnh. Điều ta cần làm là ý thức được những việc làm nào là bất thiện để đoạn tuyệt với chúng. Giống như các phạm nhân sau thời gian cải tạo ý thức được những lỗi lầm trước kia để trở về con đường lương thiện. Chỉ cần như vậy, cửa Phật bao dung vẫn luôn dang rộng cánh cửa.
Tương tự như vậy, dấn thân việc lành cũng gồm 2 yếu tố nhỏ, phát tâm những suy nghĩ thiện lành và nuôi dưỡng khi các suy nghĩ, việc làm ấy đã nảy sinh. Tâm trí ta giống như một mảnh đất hoang sơ, gieo hạt mầm nào thì cây ấy sẽ sinh sôi. Và, muốn cây ấy lớn mạnh, ta cần thật nhiều công chăm bẵm, kiên nhẫn không ngừng, cũng như nhổ bỏ tận gốc đám cỏ dại tràn lan.
Khác với những tôn giáo khác, gửi trọn niềm tin và phó thác định mệnh cho một đấng tối cao toàn năng, Phật giáo đề cao nỗ lực tự thân của mỗi người, khả năng tự mài giũa, vượt qua nghịch cảnh để đến với sự giải thoát. Đó cũng chính là ý nghĩa thẳm sâu của Chánh Tinh Tấn.
Nguồn tham khảo: phatgiao.org.vn