“Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.
Trong kinh đức Phật vẫn thường nói về lợi ích của các pháp bố thí cúng dường. Trường thọ, khỏe mạnh là vấn đề mà chúng sinh ở bất cứ cảnh giới nào cũng mong cầu. Muốn đạt được điều đó, đức Phật dạy cho chúng ta hạnh phóng sinh.
Có thể nói không phân biệt bậc tu xuất gia hay tại gia, đã từ lâu phóng sinh trở thành một hành động nhân văn trong cuộc sống. Đây cũng có thể nói như một nét đẹp từ bi của đạo Phật trong mắt các tôn giáo khác.Thế nào gọi là phóng sinh? Theo Pháp sư Viên Nhân trong cuốn “Lợi ích của việc phóng sanh” thì “Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống”.
Luận Đại Trí Độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Tại sao phải phóng sinh? Nói một cách đơn giản, phóng sinh tức là cứu chuộc mạng sống. Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết.” Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp!
Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
Còn trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.
Công đức của việc phóng sinh
Phóng sinh là giải phóng sinh mạng các sinh vật, từ đó nuôi dưỡng lòng từ bi và phát triển tâm thương yêu đối với các chúng sanh. Do đó công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, không thể tính đếm:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.
3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.
4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng.
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.
6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thạnh, gặp nhiều thuận lợi.
7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.
8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não.
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.
10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Phóng sinh thế nào mới đúng?Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Nhờ đó, chúng ta có thể khởi tâm từ bi với hết thảy chúng sinh, lại còn tôn trọng trân quí. Tiến thêm một bước nữa, trong cuộc sống hằng ngày có thể thực hiện việc giữ giới sát, ăn chay, cứu giúp sinh mạng muôn loài.
Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Người học Phật tăng trưởng lòng từ bi là điều rất cần thiết nhưng từ bi phải có trí tuệ. Ở góc độ tương đối, khi thực hiện phóng sinh, chúng ta có thể hành theo ý nghĩa sau:
– Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh,…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Tâm từ bi không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện nuôi dưỡng!
– Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chánh kiến chứ không chạy theo số đông.
– Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác,…. Vì các loại lươn, cá, ốc, thú rừng,… bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có; mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau. Nên khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện – tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
– Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
– Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích”.
Lời kết
Biết rõ được lợi lạc của việc phóng sinh, chúng ta nên tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt và điều kiện của mình, phát khởi tâm từ bi thương yêu chúng sanh, thực hành việc phóng sinh như một việc nên làm, như một thói quen tốt.
Huệ Minh tổng hợp