Sau những năm tháng thực hành khổ hạnh dù thân xác ngày càng gầy yếu suy nhược mà vẫn chưa tìm ra được cứu cánh đích thực giác ngộ và giải thoát, Thái tử Tất Đạt Đa đã quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác và chọn phương thức trung đạo để tu tập. Chính vì thế, Ngài đã đến sông Ni Liên Thuyền, tắm gội sạch sẽ và thọ nhận sự cúng dường thức ăn của đàn việt, rồi đi đến dưới gốc cây Tất Bát La để tĩnh tọa. Trải cỏ và ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ này, Thái tử Tất Đạt Đa đã phát đại thệ nguyện phải mở tung cánh cửa của tâm thức để giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não khổ đau.
Đức Phật đã quán nghiệm: Sở dĩ có già, bệnh và chết là bởi vì có sự hiện hữu của thân ngũ uẩn. Sự có mặt của thân ngũ uẩn bắt nguồn từ sự thọ thai, hệ quả của sự đắm trước vào ái dục. Nhưng ái dục dựa vào đâu mà sinh khởi? Nó dựa vào sự thỏa mãn dục vọng trong cảm thọ khổ vui do xúc chạm của sáu căn với sáu trần. Căn và thức tồn tại dựa trên tập hợp của năm uẩn chính là danh và sắc của một giả hữu được phát sinh nhờ tập khí của phiền não vô minh trong vô lượng vô số kiếp mà thời gian khởi đầu như không còn có thể tính đếm được nữa.
Vì thế, vô minh là đầu mối căn cội của sinh tử khổ đau và ái dục là nhân duyên cho sự có mặt của một thân xác ngũ uẩn chất chứa nhiều phiền não. Do đó, muốn chấm dứt vòng sinh tử triền miên thì phải phá tung thành trì của vô minh, muốn kết thúc sự thọ sanh thì phải diệt trừ ái dục. Vô minh diệt thì sinh tử diệt, ái dục hết thì không còn thọ sinh, như củi hết lửa tắt. Như vậy đức Phật đã đi sâu vào đại định và chứng tam minh, lục thông khi sao mai vừa mọc. Ngài đã thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Một hôm, Tỳ kheo Mã Thắng (A Thuyết Thị), một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển, đi khất thực gặp ngài Xá Lợi Phất, lúc đó là một thanh niên đang thao thức đi tầm sư học đạo. Ngài Xá Lợi Phất thấy tướng mạo oai nghiêm sáng rỡ của tỳ kheo Mã Thắng mà khởi tâm kính ngưỡng nên đến tham vấn về con đường đạo nghiệp. Tỳ kheo Mã Thắng nhân đó diễn bày nội dung giáo pháp giác ngộ của bậc Đạo Sư mà ngài đang thọ học trong bài kệ như sau:
Chư pháp tùng duyên sinh,
Diệc phục tùng duyên diệt.
Ngã Phật đại Sa môn,
Thường tác như thị thuyết.
Dịch: Các pháp từ duyên sinh
Cũng do duyên mà diệt.
Thầy tôi Đại Sa Môn,
Thường dạy điều như thế.
Khi nghe tỳ kheo Mã Thắng nói bài kệ này, ngài Xá Lợi Phất toàn thân rúng động, tâm thức được mở tung ra, thấu triệt ngay vào chân lý huyền nhiệm chi phối toàn thể vũ trụ vạn pháp, trong đó có thân ngũ uẩn của con người. Ngài Xá Lợi Phất tức thì chứng nhập được vào trong Kiến đế đạo. Cho nên, ngài Xá Lợi Phất quyết định đi đến chỗ đức Phật để xin xuất gia.
Đức Phật do giác ngộ lý duyên khởi mà thành tựu đạo quả Bồ đề, do vậy, giáo nghĩa duyên khởi là cốt tủy trong toàn bộ giáo lý của Ngài. Giáo nghĩa duyên khởi có mặt bàng bạc trong các Kinh điển từ Nguyên thỉ sang thời đại Bộ phái và sau đó là Đại thừa. Ở đây xin trích dẫn một vài chứng liệu để cho thấy rõ điều ấy. Trước hết là một đoạn trong Kinh Tạp A Hàm, đức Phật dạy:
Thế nào là nguyên lý duyên khởi? Nghĩa là do duyên với vô minh mà hành khởi sinh, v.v.., dù Phật có ra đời hay không ra đời, nguyên lý ấy vẫn thường trú, vẫn an trú trong pháp giới. Như Lai tự mình chiêm nghiệm nguyên lý ấy để giác tri, để thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, rồi tuyên thuyết, rồi khai thị, rồi hiển phát cho mọi người. (Kinh Tạp A Hàm, quyển 12, trang 84, ĐTK2, Thích Đức Thắng Việt dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích).
Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ 2, đức Phật dạy:
Chư Phật Lưỡng Túc Tôn,
Tri pháp thường vô tánh,
Phật chủng tùng duyên khởi,
Thị cố thuyết Nhất thừa.
Dịch: Chư Phật là bậc tôn quý trong loài trời và người,
Liễu tri các pháp không có tự tánh,
Giống Phật từ duyên mà khởi,
Cho nên, nói đạo Nhất thừa.
Trong Luận Trung Quán, Phẩm Quán Tứ Đế thứ 24, Bồ tát Long Thọ viết:
Thị cố Kinh trung thuyết,
Nhược kiến nhân duyên pháp,
Tốc vi năng kiến Phật,
Kiến Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Dịch: Cho nên, trong Kinh nói:
Nếu thấy pháp nhân duyên,
Thì mau chứng Phật quả,
Chứng Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Duyên khởi tẩy sạch mọi cấu uế và cố chấp nơi tâm thức của chúng sinh do vô minh tích tập từ vô lượng kiếp về sự thật hữu của các pháp, trong đó có tự ngã. Tất cả các pháp đều do duyên mà khởi sinh, không có tự tánh cố định, là giả danh, không thật, chúng sinh vì vọng tưởng điên đảo mà chấp giả làm thật, cho nên triền miên trong sinh tử luân hồi và gánh chịu khổ não.
Hiểu biết được đạo lý duyên khởi là bước khởi đầu tiên quyết để có thể thâm nhập vào biển Pháp tạng sâu xa vi diệu của chư Phật. Từ đó làm hành trang đầy đủ để tiếp tục tinh tấn đi lên trên con đường tìm cầu giác ngộ và giải thoát cho tự thân và tha nhân.
Tuy nhiên, giáo pháp của đức Phật không phải là hệ thống lý thuyết mở cửa cho những hý luận. Giáo pháp của đức Phật là liều thuốc để chữa lành bệnh khổ não cho chúng sinh. Người bệnh thì phải tự siêng năng uống thuốc. Người đau khổ thì phải tinh tấn nỗ lực thực nghiệm lời Phật dạy.
Trong sự thực nghiệm vững chãi và thường trực, con người mới cảm nhận được lợi lạc vô biên của giáo pháp giác ngộ và giải thoát đó.