Hoa nở là hữu tình, hoa rơi là vô ý

Người đến là duyên khởi, người đi là duyên tàn

Duyên sâu thì hợp, duyên mỏng thì tan

Vạn pháp do duyên, vạn sự tùy duyên

Bất cầu bất khổ..!!!

Nam Mô A Mi Đà Phật…

Nhân duyên là gì? Tại sao nên Vạn sự TUỲ DUYÊN? | Tamlinh.org

Bốn Câu Thơ Người Học Phật Cần Biết

Yếu vô phiền não, yếu vô sầu

Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng Cầu

Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu

Vô can kỷ sự, thiểu đương đầu.

Bài thơ này gói trọn cả một lời khai thị tuyệt vời giúp cho chúng ta giữ tâm an tịnh.

“Yếu vô phiền não”.

Yếu là chính yếu, là quan yếu, là cái điều quan trọng nhất.

Vô là không.

Yếu vô phiền não là cái điều quan trọng là làm sao cho cái tâm của chúng ta đừng có phiền não.

Tại vì mình nhớ cái tâm phiền não thì sau cùng mình bị phiền não.

Cái tâm mình vui thì sau cùng mình vui.

Cho nên đúng lời chư Tổ nói: “Yếu Vô Phiền Não, Yếu Vô Sầu“.

Điều chính yếu là đừng để cái tâm mình sầu bi.

Đạo Phật là đạo LY KHỔ ĐẮC LẠC.

Khổ là sầu khổ, là phiền não.

Phải tự mình ly cái này ra.

Như vậy: Gặp một cảnh giới nào mà chúng ta sợ nay không sợ.

Gặp một cảnh trạng nào mình buồn nay nhất định đừng buồn.

Tất cả những cái đó đừng để nó chui vào trong tâm.

“Yếu Vô Phiền Não Yếu Vô Sầu“, hay vô cùng!

“Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng Cầu“. Khi mình làm một việc gì lúc nào cũng coi có thuận duyên hay không?

Nếu thuận duyên thì làm, không thuận duyên thì niệm Phật, chớ nên ráng sức quá đáng, vì khi ráng sức quá đáng, khi làm việc gì ngoài bổn phận của mình thường thường tạo ra phiền não.

Cho nên bổn phận phải tùy duyên.

Ví dụ: Cái việc làm đó là việc làm của một người khác, nếu người ta nhờ mình hổ trợ giúp đỡ, mình sẵn sàng giúp đỡ giúp đỡ.

Được thì giúp đỡ, không được thì cũng vui vẻ, đừng nên chấp vào đó mà sinh ra phiền não.

Chữ “Mạc” là chẳng. “Mạc cưỡng cầu” là đừng nên cưỡng cầu, thì tự nhiên cái tâm nó an tịnh.

Hay lắm câu này nếu giải ra cho thật là sâu sắc…

Hay lắm! Một buổi này giải không hết đâu.

“Vô ích ngữ ngôn hựu khai khẩu”. câu này cũng thật sự là hay! Tổ nào cũng nói như vậy hết. “Vô ích ngữ ngôn” là những lời nói gì vô ích.

“Hựu” là chẳng, đừng… đừng có nói, đừng “Khai khẩu”. Vô trong đạo tràng khi muốn nói một câu gì mà thấy rằng câu nói này vô ích… thì đừng nói.

Chính vì vậy, những đạo tràng trang nghiêm thường thường chư Tổ nhắc nhở rằng, nói chuyện thì bỏ đi, đọc kinh thì bớt lại, còn niệm Phật thì nhiều thêm một chút.

Những đạo tràng trang nghiêm thường thường có tổ chức những ngày tịnh khẩu, tại vì tịnh khẩu như vậy tức là “Hựu khai khẩu“, là đừng có khai khẩu.

Khai là mở, khẩu là miệng, đừng mở miệng ra nói.

Nhờ vậy mà tránh bớt những chuyện thị phi, chấp trước, nói người này xấu người kia tốt, nói những chuyện của thế gian ra…

Chính những cái chuyện của thế gian này nó trói chúng ta lại, nó trói riết… nó trói riết, nó trói đến lúc nằm xuống rồi thì gặp toàn là những chuyện đó.

Tất cả đều do chính cái tâm của mình đã làm sai, để chính mình chịu chứ không ai chịu cả.

“Vô ích Ngữ Ngôn” là những ngôn ngữ, lời nói vô ích, không có ích sự gì, không có giúp ích cho mình trên con đường vãng sanh thì đừng nên nói.

“Vô can kỷ sự thiểu đương đầu“. “Vô can” là không có can hệ; “Kỷ sự” là chuyện của mình.

Chuyện mình là quét nhà, chuyện của người ta là nhổ cỏ. Người ta có nhổ cỏ mà sót cũng kệ người ta.

Mình quét nhà cứ lo quét nhà, còn người ta nhổ cỏ thì để người ta nhổ cỏ, không mắc mớ chi lại ra chỉ dạy người ta nhổ cỏ, vì cái chuyện nhổ cỏ không phải là cái chuyện quét nhà của mình.

Mình là người niệm Phật, người ta là Karaoke.

Karaoke thì kệ người ta, karaoke đâu có liên quan gì tới chuyện niệm Phật, đâu mắc mớ gì mình lại chen vô.

Cho nên “Vô Can” là vô can hệ. “Vô can kỷ Sự” là những chuyện gì những điều gì không có liên quan tới mình.

“Thiểu Đương Đầu” là giảm bớt lại, nói chung là đừng có đương đầu, đừng có xen vô.

Đây gọi là châm ngôn, những khai thị của các vị Tổ nhắc nhở cho chúng ta giữ cái tâm thanh tịnh.

Mình giữ cái tâm mình thanh tịnh, an lạc, vui vẻ, hòa nhã, thoải mái, không sợ không sệt, không buồn, không lo… thì khi chúng ta nằm xuống những cái tập khí vui vẻ, an lạc, thoải mái, không sợ chết, thích về Tây Phương, thương yêu mọi người cũng thoải mái tự nhiên ứng hiện về.

Những người như vậy có niệm Phật, lại được hộ niệm rất dễ vãng sanh.

Còn nếu sơ ý cứ tham chấp vào, cứ để những phiền não, ưu sầu, nào là lộn xộn, thị phi… nó nhập vào tâm của mình, lúc đó dù có hộ niệm cũng khó được vãng sanh!

Đây là những lời của chư Tổ khai thị để cho chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam.

Nhất là, phải “Y Giáo Phụng Hành” để một đời này được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Huệ Minh tổng hợp