Tôi đã tình cờ chụp được hình ảnh một em trai được mẹ dắt tới chùa lễ Phật. Nhìn cách em kính cẩn đảnh lễ Tam bảo, ngước mắt ngắm nhìn tượng Phật thật đáng yêu và dễ thương vô cùng!

Được ngồi giữa sân chùa, hít thở bầu không khí trong lành thoảng hương hoa, và lắng nghe tiếng chuông lời kinh vang vọng, với tôi là một điều hạnh phúc. Hôm nay, cũng là một ngày hạnh phúc như vậy, khác chăng là buổi trưa thư thái này tôi có thêm một người bạn mới… là một chú chó nhỏ. Chắc đây là chú chó con mới đẻ, bởi mấy hôm trước tôi còn thấy chó mẹ bụng chửa to tròn, mệt mỏi nằm dài giữa sân thở phì phò. 

Đang ngồi yên để tôi vuốt ve bộ lông đen mềm, chú chó con bỗng chạy sang ghế bên cạnh. Lúc này, tôi mới để ý là một cụ bà trạc ngoài 80 trong tấm áo nâu giản dị, đang ngồi cùng cháu gái tầm 4 tuổi với mái tóc tết gọn hai bên.
Cụ vuốt đầu chú chó, mỉm cười hiền hậu và nói: “Con ơi, tu đi… Kiếp trước nỡ tạo nghiệp nên phải sinh ra làm động vật. Tu đi rồi hóa kiếp được làm người, để được gặp Phật nghen con”. Lời nói nhẹ nhàng, trầm ấm ấy làm lay động trái tim tôi. Cụ nói chuyện với một con chó mà như tâm tình với con người, lúc thì thủ thỉ lúc lại như khuyên răn.

Nghe những lời dặn đầy chân tình ấy, không hiểu sao tôi lại có cảm giác đó như là lời một người mẹ răn dạy những đứa con của mình. Bởi mẹ tôi cũng thường hay nói: “Con ơi, tu đi…” Tôi nhớ tới những vần thơ đã từng chép trong cuốn sổ nhỏ:

“Người đời học nói. Con học làm thinh
Người đời học văn minh. Con học đạo đức
Người đời theo kiến thức. Con học đạo huyền vi.
Người đời mê si. Con học tỉnh thức.

Người đời học nhớ. Con tập cách quên
Người đời ngó lên. Con tập nhìn xuống
Người đời ham muốn. Con tập xả ly
Người đời sân si. Con tập hòa ái.

Người đời tự đại. Con tập khiêm từ.
Người đời khư khư. Con hành đại xả.
Người đời muôn ngả. Con một con đường
Người đời vô thường. Con về nẻo giác.
Sen mọc từ bùn mà sen thơm ngát.
Con đường giải thoát thẳng lối con đi!”

Những lời thơ đầy tính triết lý, cao siêu ấy sao lại dễ đi vào lòng người đến vậy! Phải chăng, những lời đức Phật dạy vốn giản đơn, bình dị như nắng thì luôn ấm áp và mặt nước thì luôn xanh trong. Cuộc sống ngày nay đầy đủ tiện nghi, vật chất con người dường như chẳng thiếu thứ gì. Nhưng không hiểu sao, chúng ta vẫn cứ loay hoay, vật lộn giữa dòng đời, như đang cố gắng tìm kiếm một thứ gì đó mơ hồ.

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?”

Có lẽ, những thứ phù du như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp chẳng thể đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn nếu con người không biết tu. Tu không phải vào chùa, cạo tóc, tụng kinh sớm tối. Tu là khi:

“Người đời học nhớ. Con tập cách quên
Người đời ngó lên. Con tập nhìn xuống
Người đời ham muốn… Con tập xả ly
Người đời sân si. Con tập hòa ái.
Người đời tự đại. Con tập khiêm từ.
Người đời khư khư. Con hành đại xả”.

Có tu, chúng ta mới thấy an nhiên khi đối mặt với nghịch cảnh. Có tu, chúng ta mới biết buông xả mà không nắm giữ những thứ không thuộc về mình. Có tu, chúng ta mới ngộ ra “đời là bể khổ, tình là dây oan”, cớ sao cứ mãi đắm chìm, dính mắc. Có tu, chúng ta mới hiểu hạnh phúc không phải được sống trong cung vàng, điện ngọc, mà là lúc ta xả bỏ tất cả, chí tâm một lòng cầu đạo giải thoát. Tu là sửa từ lời ăn, tiếng nói, từ ý nghĩ đến hành động, làm sao để những lời ta nói, điều ta làm không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh.

Tu nghe tưởng dễ mà khó vô cùng, khi chúng ta lúc nào cũng phải chú tâm sửa đổi từ những điều nhỏ nhất. Nhưng có trải qua khó khăn, thử thách thì chúng ta mới vững tâm và giữ trọn lý đạo của mình. Người xưa vẫn luôn dạy: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”. Càng có nhiều người tu thì cuộc sống sẽ càng trở nên tốt đẹp, giống như Bhutan – quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, với 75% dân số theo đạo Phật. Nếu trẻ em được tu học từ nhỏ thì sau này sẽ trở thành những con người có ích cho đất nước, không chỉ giàu trí tuệ mà còn giàu cả đạo đức, phẩm hạnh.  

Tôi đã tình cờ chụp được hình ảnh một em trai được mẹ dắt tới chùa lễ Phật. Nhìn cách em kính cẩn đảnh lễ Tam bảo, ngước mắt ngắm nhìn tượng Phật thật đáng yêu và dễ thương vô cùng! Trẻ em bây giờ lúc nào cũng chỉ dán mắt vào màn hình tivi, điện thoại, mải mê xem những bộ phim hoạt hình đầy bạo lực. Nhiều lúc tôi tự hỏi, xã hội rồi sẽ ra sao nếu thế hệ mầm non tương lai của đất nước chỉ vùi mình trong các trò chơi, công nghệ hiện đại. 
Các em chẳng còn thắc mắc vì sao chim lại hót, làm thế nào để tạo ra được thứ thanh âm thánh thót ấy? Sao lá xanh lại chuyển vàng, nhẹ rơi khi gặp một cơn gió? Điều duy nhất các em quan tâm chỉ là sự sống chết của những nhân vật ảo trên màn hình kia mà thôi. Những lúc nghĩ về thế hệ hiện nay và có chút ưu phiền, tôi lại mở điện thoại và ngắm nhìn hình ảnh bé trai hôm ấy. Tôi vẫn lạc quan tin rằng, khi còn những đứa trẻ được gia đình đưa đến chùa dạy lễ Phật, chỉ cách tu và được học giáo lý nhà Phật thì lúc đó cuộc sống này vẫn còn ý nghĩa.

Người bà mái tóc hoa râm nắm chặt tay cô cháu gái đang ngân nga niệm Phật nhẹ bước rời khỏi sân chùa, càng khiến tôi thêm tin vào tương lai sau này, khi có những đứa trẻ được nuôi dưỡng chủng tử Phật và sống trong tình thương yêu của gia đình. Sau lưng hai bà cháu, ánh nắng nhẹ dịu chiếu vàng cùng làn gió thoảng hương hoa.

Tôi khẽ đứng dậy rời ghế ra về, vẫy tay chào chú chó con “Hỷ Lạc” – cái tên tôi vừa nghĩ ra và thấy khá thú vị.

Tạm biệt Hỷ Lạc nhé! Gắng tu nghen con!Bài viết: Con ơi, tu đi”
Tuệ An/ Nguồn: Phatgiao.org