Để có hạnh phúc chân thật, bạn phải chuyển hóa những năng lượng tiêu cực do chính bản năng của bạn tạo ra, phải tìm lại bản chất chân thật của hợp thể con người bạn mà đất trời đã trao tặng.

Trong cuộc sống, nhiều khi mọi việc không diễn ra như ta mong muốn? Sau một ngày làm việc, bạn về nhà muộn với một tâm trạng mệt mỏi, suy nghĩ…Vậy làm sao để có thể vượt qua những cảm xúc như vậy? Học cách đối diện bất như ý chính là một phần của quá trình trưởng thành, nếu không bạn sẽ chẳng thể tiến bước và tạo dựng được điều gì tốt đẹp. Nếu bạn cho rằng mình đã học được cách đối trị thất vọng, tại sao chúng ta vẫn bị tổn hao quá nhiều năng lượng như vậy? Tại sao những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, lo lắng, khó chịu, cáu giận, tuyệt vọng … vẫn cứ liên tục chi phối chúng ta, không ít thì nhiều, ngày này qua tháng khác?

Đức Phật từng dạy về tám mối bận tâm thế gian: được và mất, khen và chê, vinh và nhục, hạnh phúc và đau khổ. Chúng giống như những ‘cặp bài trùng’, không tách rời. Tất cả chúng ta ai cũng muốn thành công, được tán dương, sung sướng hạnh phúc mà quên mất những gì đi kèm theo đó. Có khen ắt có chê, không trải nghiệm khổ đau thì chúng ta không thể cảm nhận được hạnh phúc. Đó là bản chất của thực tại.

Cố tình né tránh hay phủ nhận sự thật này chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Bạn theo đuổi và khao khát một cuộc sống tốt đẹp nhưng lại đầy hằn học với những điều bất như ý xảy đến. Dù nỗ lực đến mấy, bạn vẫn không đạt được tất cả những gì mình mong muốn hoặc những điều bạn đã từng mong muốn lại không còn làm bạn thỏa mãn, hay chúng lại rời bỏ bạn trong khi bạn vẫn muốn nắm giữ. Đây là chân lý đầu tiên trong bài pháp Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã dạy: sự thật về khổ đau, bất mãn luôn tồn tại khi ta đồng hóa mình với tâm mong cầu.

Bản chất của tâm trạng thất vọng là như huyễn, vô thường nhưng tâm chúng ta lại không nhận ra. Tâm bảo thủ, bám chấp khiến ta cứ phải sống lại những cảm xúc ấy, giống như cứ xem đi xem lại một bộ phim cũ rích chán ngắt vậy.

Có một thứ hạnh phúc đến từ thái độ “không mong cầu”. Đó là khi bạn chấp nhận tất cả những gì bạn đang có trong giờ phút hiện tại. Tâm bạn không còn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm bất cứ cảm giác dễ chịu nào nữa. Lòng đã bằng lòng. Bạn cảm nhận sâu sắc tất cả những gì đang tiếp xúc bằng tâm trạng thoải mái, thư giãn, bình an, thanh thản. Và khi những vọng động trong tâm bạn lắng xuống, ngủ yên, thuần phục, bạn sẽ thấy cái gì xảy ra quanh bạn cũng ổn, cũng được, cũng dễ chịu, cũng hạnh phúc.

Hạnh phúc đến từ sự bình an trong tâm hồn chính là thứ hạnh phúc chân thật, không bị điều kiện hóa. Nó là của bạn và bạn có thể chế tác ra nó bất cứ lúc nào bạn muốn. Tất nhiên, phải có phương pháp luyện tập thực tiễn thì thói quen ham muốn và chống đối vô lý và vô độ mới có thể chuyển hóa.

Lời dạy của Đức Phật về khổ đau và hạnh phúc

Như vậy, để có hạnh phúc chân thật, bạn phải chuyển hóa những năng lượng tiêu cực do chính bản năng của bạn tạo ra, phải tìm lại bản chất chân thật của hợp thể con người bạn mà đất trời đã trao tặng.

Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu, nhận biết những cảm xúc phiền não để không mắc phải sai lầm này. Đau khổ của bạn dù có nặng nề thế nào thì cũng đã qua. Vạn vật không ngừng biến đổi, mọi thứ đến rồi đi, sinh rồi diệt. Cảm xúc của chúng ta cũng vậy. Đó là bản chất của cuộc sống. Hãy học cách chấp nhận và buông xả và cho phép mọi trải nghiệm dù khổ đau hay hạnh phúc tan biến theo dòng chảy của thời gian. Khi đó, nó trở thành chất liệu nuôi dưỡng những điều tốt đẹp bạn đang có trong cuộc sống.


Bài viết: “Học cách chấp nhận những điều bất như ý trong cuộc sống”
Thanh Tâm/ Vườn hoa Phật giáo