Cuộc sống nhìn vậy mà thật mong manh!

Mới hôm nào còn thấy mặt nhau, vậy mà hôm sau đã cách biệt; mới cười với nhau một cái, vậy mà giờ đây chia tay vĩnh viễn; mới đi chung với nhau một đoạn đường, vậy mà bây giờ đôi ngả cách ngăn nghìn trùng xa thẳm; mới vừa chợp mắt còn thấy nhau, thế mà mở mắt chỉ còn một mình đơn độc, âm dương hai lối đi chia rẽ cả một kiếp người…

Mong manh là thế, tạm bợ là thế!

Mạng người mỏng manh như chiếc lá vàng, hễ khẽ chạm một làn gió nhẹ sẽ rơi rụng bất cứ lúc nào. Kiếp sống cũng tựa như hạt sương mai, ánh nắng vừa lên sẽ làm giọt sương kia tan biến, mà ai kia cảm thán:

“Đời người ví như sương trên lá
Nắng lên phút chốc bốc hơi xa!”

Để rồi một mai, thân xác sẽ tan như cát bụi, cơn gió đến cuốn thân xác ấy hòa vào hư vô. Và, đến một ngày kia, thân xác này sẽ tan thành bọt biển, con sóng đến sẽ đưa mảnh thân tàn về với lòng đại dương vô tận…

Rồi ta giữ được gì của thế gian trong đôi bàn tay bất lực? Thốt có nên lời với hơi thở đã quay lưng? Hay có còn kịp nghĩ suy toan tính khi bộ não cũng đã nghỉ ngơi mãi mãi? Có còn chăng? Giữ được chăng? Đôi bàn tay có thể lao dịu được không nước mắt của người còn sống? Có thể ôm được không với cái ôm để xoa dịu nỗi buồn? Có thể đến bên cạnh để người thương yêu nương tựa với đôi bàn chân lạnh đơ cứng ngắc?… Chúng ta bất lực, bất lực trước tất cả mọi thứ khi hơi thở này đã từ chối chúng ta!

Vậy nên, đến với nhau là một cái duyên, gặp nhau cũng như đóa hoa sẵn sàng hé nở, như Xuân sang vạn vật đâm chồi, như trời đất nở nụ cười hoan hỷ… Vậy sao chúng ta không biết trân quý lẫn nhau? Cẩn trọng, dè dặt như buổi đầu ta hội ngộ, trân trọng lần gặp gỡ ban sơ, rồi chợt nhận ra nhau trong bóng dáng kia một cái nhìn hợp nhãn.

Chúng ta đã từ bỏ quá nhiều ân huệ của cuộc đời, quay lưng với những cơ hội. Thoáng chốc, chúng ta lại quay sang trách hờn kiếp người không công bằng, con người dối gian giả tạm mà không biết “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, do bởi “tại ta tệ trước, nên người bạc sau” đó thôi!

Chúng ta chôn mình trong đau khổ, nhốt tâm mình trong những hố giận hờn… để rồi, chúng ta dần khô héo trong cái hỷ-nộ-ái-ố; lâu dần, chúng ta tự thay đổi mình để thích nghi với hoàn cảnh. Chúng ta cũng dần xảo trá để trả thù với kiếp nhân sinh!

Rồi đến một ngày không xa, trong một khoảng không tĩnh lặng, chúng ta chợt nhận diện ra chính mình, nhận diện ra bản chất của cuộc đời, bản chất của con người, bản chất của những sai lầm ta gây tạo… Chúng ta cười lớn, phá tan không gian u ám đang giam cầm tâm hồn bé nhỏ của ta. Nhưng, sau đấy là những cái cười chua chát. Chua chát vì hối hận, chua chát vì tiếc nuối, chua chát vì thanh xuân đi qua, chua chát vì không biết trân trọng cái mình đã có… vì bản thân đã không học được cách yêu thương, không học được lòng nhẫn nại, không học được sự ban phát nụ cười, không học được sự cho đi mà chỉ luôn mong nhận lại, không học được sự lắng nghe, sẻ chia từ người khác mà luôn đòi hỏi họ phải thấu hiểu ta, không học được cách buông xả đi những uất hờn mà chỉ biết giữ lại nỗi đau để tìm thời gian trả ngược với tâm thái “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn…”.

Thật sự, chúng ta đã bỏ phí đi rất nhiều thứ: thời gian, thanh xuân, tình thương, và cả người thân. Đôi lúc, chúng ta lỡ làm tổn thương một ai đó thì vội vàng xin lỗi, nhưng lỡ làm mẹ buồn thì lại nghĩ mẹ sẽ thứ tha, nên chúng ta cứ lặng im, để một mình mẹ tổn thương với những lời tựa gai góc. Chúng ta lỡ làm anh, chị, em phiền lòng, thì cứ nghĩ họ người thân của mình, họ yêu thương mình nên sẽ tự khắc bỏ qua. Ừ, thì sẽ bỏ qua, nhưng nỗi buồn vẫn còn ngự trị. Chúng ta tiếc gì một lời xin lỗi. Đơn giản, nó như một liều thuốc hay để chữa lành các vết cắt, là miếng dán êm dịu cho những cơn đau, và là cái ôm nồng ấm cho những lời vô tâm cay độc.

Hãy tập biết yêu thương khi còn hơi thở. Một lời cảm ơn hay xin lỗi không hề mất tiền mua, hay nói lời đó xong mà giá trị bản thân giảm sút? Không đâu! Lời nói đó có thể chữa lành vết thương, có thể làm ấm lại những trái tim hoang lạnh. Hãy trân trọng điều mình đang có, đừng phụ bạc tấm lòng người khác dù chỉ là một cử chỉ quan tâm!

Hãy để mọi thứ trôi qua như sự vô thường xóa nhòa vạn vật, hãy trả về cho quá khứ những buồn đau âm ỉ còn đọng trong tâm, hãy giữ lại cho nhau những niềm vui từ trước… Vì chúng ta luôn tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ đã gầy dựng nên từ sóng gió, chứ không phải chúng ta là những con người xem trọng những gì đã xảy ra. Cũng giống như món canh khổ qua tuy có vị đắng, nhưng khi tiêu thụ vào sẽ giúp thanh lọc, hạ nhiệt cơ thể; trái ngược những món ăn đầy màu sắc trông có vẻ hấp dẫn, ngon ngọt mà chưa chắc là có lợi cho sức khỏe, hấp thụ vào chỉ mang đến các căn bệnh thời đại gây hại cho thân…

Một ngày của cuối của tháng Mười, ngọt ngào như dư vị của yêu thuơng và tỉnh thức!

Trong Tạp A-Hàm, XXII, 59, có đoạn:

Các ông nghĩ thế nào, này chư Tỳ-kheo, sắc thường còn hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, vô thường.

– Thọ, tưởng, hành, thức là thường còn hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, vô thường.

– Những gì vô thường là lạc hay khổ?

– Bạch đức Thế Tôn, đó là khổ.

– Những gì vô thường, đau khổ và phải biến đổi, có hợp lý không nếu nói rằng: cái này của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi?

– Bạch đức Thế Tôn, không hợp lý.

– Như vậy, bất luận sắc nào, thọ, tưởng, hành, thức nào, dù ở quá khứ, hiện tại, hay vị lai; dù ở trong hay bên ngoài ta, thô kịch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, những vật ấy phải được thấu hiếu đúng theo thật tướng của nó và với trí tuệ thật sự: cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.


Bài viết: “Vô thường mà, buông đi…”
Tâm Nam/ Vườn hoa Phật giáo