Đời người đến rồi đi, những sự ghen tị nông cạn, những sự so sánh vô nghĩa, những sự bắt chước ngu ngốc chỉ khiến cho cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều sống trong sự ảnh hưởng của người khác.
Trong cuộc sống, có rất nhiều việc bản thân không thể làm chủ được, có nhiều thứ bản thân chỉ có thể bất lực mà nhìn. Nghĩ một đằng làm một nẻo, cũng có lẽ là bất đắc dĩ; trái tim và miệng nói không đồng nhất, cũng có lẽ là không còn cách nào khác. Rồi cũng có một ngày, thời gian không chỉ khiến bạn nhìn thấu người khác mà còn hiểu rõ chính bản thân mình.
Người xưa cũng cho rằng trí tuệ cao nhất chính là hiểu rõ bản thân mình. Vương Dương Minh, một bậc thầy của phái “Tâm học” thời nhà Minh (Trung Quốc) cho rằng, yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự thành bại của con người không phải là những điều kiện bên ngoài mà chính là tính cách của họ. Chỉ khi con người nhận rõ được tính cách của mình, tìm được đúng vị trí của mình thì mới có thể tiến tới thành công.
“Biết người là trí, biết mình là minh”
Đó là câu nói nổi tiếng của Lão Tử, nghĩa là, hiểu được người khác là một loại trí tuệ, nhưng hiểu được bản thân mình mới gọi là bậc thánh minh sáng suốt.
Vương Dương Minh là một trong số ít những người có thể tự nhận thức bản thân một cách minh xác. Ông là người có tài năng quân sự phi phàm, từng lãnh đạo những người lính ưu tú, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, dẹp yên nạn trộm cướp hoành hành hơn chục năm. Ông cũng từng nói: “Đánh phá kẻ cướp trên núi thì dễ, đánh phá kẻ cướp trong lòng mới khó”. Chính vì sự tự nhận thức tỉnh táo này mà ông đã trở thành một trong bốn bậc đại Thánh nhân bất hủ của Nho gia, có thể “lập công, lập đức, lập ngôn”, gồm: Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Hi và Vương Dương Minh.
Những người không hiểu rõ bản thân thì không thể nhận thức được bản thân có những gì, hơn nữa còn dễ bị nhầm lẫn bởi những lời khen sai lầm của người khác. Người khác khen càng nhiều, trái tim ngạo mạn của những người này càng phồng to lên, cho đến khi họ cảm thấy Trời Đất này không thể dung nạp họ được nữa, ắt sẽ tự đưa mình vào con đường diệt vong.
Thời Chiến Quốc có 1 người tên là Triệu Quát, là con của danh tướng Triệu Xa lừng lẫy nước Triệu. Triệu Quát từ nhỏ đã thông hiểu nhiều binh thư. Khi Triệu Quát được nhiều người biết đến và ca ngợi, anh ta càng tự mãn rằng: “Ta đây đánh trận là thiên hạ đệ nhất”.
Khi trở thành một đại tướng quân, bản thân anh ta không hề biết rằng kinh nghiệm thực tế trên chiến trường của mình chưa đủ, cũng không nghe theo lời khuyên của những tướng lĩnh dưới trướng của mình, tất cả đều làm theo lý thuyết trong những cuốn sách quân sự mà anh ta đã từng đọc. Kết quả là Triệu Quát bị lão tướng quân Bạch Khởi của nước Tần vây khốn, cuối cùng đội quân của Triệu Quát bị quân Tần giết sạch.
Có thể thấy rằng, làm người phải hiểu được bản thân mình, thì khi dốc hết sức hành động mới hiệu quả và đúng hướng.
Khó khăn và gian khổ là sự tôi luyện tốt nhất của trái tim
“Người kiên trì mài giũa mình mới có thể thành được, mới có thể dù tĩnh hay động cũng định lại được” – (Vương Dương Minh, Truyền tập lục).
Không có ai mới ban đầu đã nhìn rõ bản thân mình. Đa số mọi người, trên đường đời, ngã nhào vài lần mới có thể tìm thấy đúng vị trí của mình. Nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ, bạn có từng nghĩ như thế này:
Vì sao mỗi ngày đều bận rộn với cuộc sống, nhưng dù có nỗ lực như thế nào đi chăng nữa cũng không có được thứ bạn mong muốn?
Vì sao có những người lười nhác hơn bạn, năng lực kém hơn bạn, nhưng cuộc sống của họ lại qua đi một cách thuận lợi?
Bạn biết đấy, những sự ghen ghét hời hợt, so sánh nhàm chán và bắt chước vụng về không thể khiến bạn vượt qua người khác. Nói đến cùng, so bì với người khác những điều ngốc nghếch này sẽ khiến bản thân cũng trở nên ngốc nghếch. Những người thông minh chỉ so bì với chính bản thân mình.
Thà có hy vọng mà không thực hiện được, còn hơn lùi bước không có bất cứ hy vọng nào.
Chỉ khi nhận rõ bản thân mình, tìm đúng phương hướng cho chính mình, mới có được tất cả mọi thứ.
Bởi vì ghen tị với cuộc sống của người khác, đi con đường người khác từng đi, thì cho dù bạn có chạy thật nhanh đi nữa, cũng có thể chẳng đạt chút thành tích nào.
Con người trong cuộc sống này phải không ngừng tiến lên mới có thể nhìn rõ con đường phía trước. Ghi nhớ đường về, gánh vác được trách nhiệm, đặt xuống được lợi danh, không vội vã cũng không đủng đỉnh, không kiêu ngạo hay tự ti, quay về với trái tim nguyên sơ ban đầu, rèn giũa tiến về phía trước.
Thước dài mà tấc thì ngắn
Nhận rõ bản thân, đừng đặt bản thân mình quá cao, cũng đừng đặt bản thân mình quá thấp.
Những người đánh giá cao bản thân mình trong cuộc sống có ở khắp mọi nơi. Họ cho rằng thành công của người khác vừa hay là do gặp được may mắn, nhưng lại không hề biết rằng để có được sự tán dương của người khác, dù có được may mắn cũng cần phải nỗ lực hết mình.
Điều đáng sợ của một người không phải là không có năng lực mà là có năng lực nhưng không tin tưởng bản thân mình. Rõ ràng có thể làm tốt mọi chuyện, nhưng vì không ngừng hoài nghi bản thân mình mà thất bại, không thử thì không bao giờ biết được có thành công hay không.
Trời sinh ta tất có chỗ dùng, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, chỉ cần hiểu rõ bản thân mình mới có thể phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Phát huy những ưu điểm của bản thân mình, bớt đi đường vòng, dũng cảm leo tận lên đỉnh.
Bài viết: “Biết người là trí, biết mình là minh”
Ngọc Linh/ Theo Soundofhope