Ôi! Cả cuộc đời dù nhà cao cửa rộng, con cháu đông đúc, địa vị cao tột, vàng bạc đầy kho,… đến lúc ra đi cũng chẳng mang được gì, chỉ với hai bàn tay trắng; hoặc có khi đem theo hai bàn tay đen (lúc sống làm quá nhiều tội ác). Nhà Phật gọi tổng hợp là “nghiệp”, chỉ đem theo nghiệp mà thôi!


Những gì có hại cho mình cho người, hại cả đời này và đời sau. Đó là nghiệp ác, mỗi người phải nhất quyết dừng lại. Vì từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã gây tạo rất nhiều lầm lỗi.

Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp có hình tướng, mười phương hư không thể dung chứa hết. Không hiểu Phật pháp thì không dừng, không sống đúng với ý nghĩa của cuộc sống”. Rồi đây nghiệp quả trổ do nhân đã gieo, bao nhiêu oan gia trái chủ, hận thù đòi mạng, nên không lo tu thì đường trước mịt mờ không biết đi về đâu!

“Có cái chết nhẹ tựa lông hồng, có cái chết nặng như núi Thái”. Núi Thái Sơn rất cao ví cho sự sụp đổ vô cùng nguy hiểm, nặng nề và đau đớn. Điều đó thể hiện khi thân này bệnh tật, cơn đau sẽ hành hạ quằn quại, hết sức thương tâm để rồi dẫn đến cái chết.

Trong thời mạt pháp, lòng người biếng nhác, không chịu làm lành, không giải oan gia, không cầu thoát tử. Nên kiếp sống trong não phiền, ăn qua ngày chờ qua đời, vô nghĩa và hèn kém.

Cuối đời là màn đen che phủ, quỷ dữ đến bắt thì vô cùng hoang mang sợ hãi, không một bến bờ nương tựa.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lòng từ vô hạn, muốn cho chúng sinh dừng tâm vọng động gây nghiệp. Ngài đã chỉ dạy pháp môn niệm Phật, ngõ hầu nương vào thuyền từ đại nguyện của Phật Di-đà mà vượt thoát sông mê, vượt thoát trầm luân khổ ải, vượt thoát cái chết đau đớn.

Thay vào cho lý trạng đó, bằng sự an nhiên tự tại mà ra đi, vãng sinh về cõi Phật, thoát khỏi kiếp người tạm giả.

Thiên Ấn