Cuộc đời này là một dòng trôi chảy, ta chỉ cần là chính mình, luôn làm những điều có lợi ích, dù có bị nhiều thế lực bất chính trù dập, ta vẫn không khiếp sợ mà sẵn sàng vươn lên để vượt qua mọi trở ngại đó.
Thế thái nhân tình là như vậy đó! Vì không có sự bình đẳng trong cuộc sống, nên dòng đời lúc nào cũng có hai mặt tốt xấu, để ta và người cớ cơ hội cùng suy gẫm câu chuyện như sau:
Có một người nọ thấy con bọ cạp sắp chết đuối trong một vũng nước. Thương tình nên ông ta muốn cứu giúp nó, do đó nhanh nhẹn đưa bàn tay ra vớt con bọ cạp khỏi vũng nước, rồi đặt nó vào chỗ an toàn. Con bọ cạp liền chích ông ta một phát đau điếng, nhưng ông ta chẳng buồn giận hay tức tối mà tỏ ra thương hại nhiều hơn, vì bản chất của nó là kẹp với chích.
Chúng ta thử hình dung con bò cạp, khi muốn bắt một con mồi trước tiên nó dùng hai càng để kẹp và khống chế địch thủ, sau đó lấy cái đuôi có nọc độc chích vào đối thủ, đó chính là bản chất của con bò cạp.
Tuy nhiên vì muốn tiếp tục cuộc hành trình, nó lại đi tiếp và không may bị lọt vào một vũng nước khác. Lần này thấy nó sắp chết đuối, người đàn ông lại vớt nó lên lần thứ hai và cũng bị nó chích cho một phát đau điếng nữa. Tay ông lúc này sưng vù lên.
Một người khác vô tình chứng kiến cảnh tượng đó từ đầu đến cuối bèn hỏi: “Tại sao ông lại dại khờ đến thế, nên mới bị con bọ cạp chích cho hai lần đau điếng. Ông thật là điên rồ khi phải cứu vớt, một con bọ cạp chẳng biết ơn nghĩa là gì!
Người đàn ông vui vẻ trả lời: “Thưa ông, tôi không thể nhìn thấy con bọ cạp bị chết đuối mà không cứu nó. Ông biết đó, thói quen và bản tính của con bọ cạp là kẹp và chích, khi có ai đụng vào nó, vì sợ chết nên nó phải kẹp và chích, nó chỉ sống theo tập khí, thói quen mà không có sự quán chiếu sâu sắc. Còn thói quen của tôi là sẵn sàng cứu giúp muôn loài vật khi gặp sự cố. Tôi thà chịu đau một chút mà cứu được con bò cạp đó.
Suy luận trong trường hợp này, nếu người đàn ông đó dùng trí tuệ lấy một cành cây để vớt con bọ cạp thì sẽ không bị chích. Nhưng ông ta nghĩ rằng cứu một con bọ cạp trong cơn hoạn nạn là điều cần thiết, còn hậu quả như thế nào sẽ tính sau.
Có một hạng người vì cuồng tín, họ tin vào đấng bề trên, họ làm việc say mê và thậm chí giết người vô tội vạ, họ cho rằng chết vì đạo sẽ được lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao. Phụ nữ đối với họ chỉ là vật phụ thuộc, có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và đáp ứng nhu cầu sung sướng cho họ.
Dạng người này không chấp nhận ai, họ chỉ tôn thờ đấng bề trên của họ và muốn mọi người phải tôn thờ và theo họ. Nếu họ nắm quyền hành trong tay, chúng ta sẽ không có chọn lựa khác, theo thì sống không theo thì chết, chỉ có vậy thôi!
Một hạng người nữa cho rằng chết là hết, không có nhân quả nghiệp báo nên khi sống họ mặc tình tạo tác gây ra nhiều nỗi khổ niềm đau cho người khác vì quan niệm mọi thứ sẽ trở về cát bụi. Chính vì vậy, dạng người này nếu có ý thức một chút họ sẽ là những công thần dấn thân, hy sinh cho sự nghiệp chung mà sống trung thành với lý tưởng đó.
Người theo dạng này nếu không có hiểu biết chân chính sẽ không chấp nhận học thuyết sống chết luân hồi tái sinh. Họ cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại nên dẫn đến nhiều sai lầm đáng tiếc.
Một hạng người khác, suốt đời họ mong muốn đòi hỏi ai cũng phải là một người hoàn hảo, không sai phạm, nên họ rất khó chịu khi thấy người khác phạm phải lỗi lầm. Người theo dạng này, họ muốn ai cùng theo một khuôn mẫu với mình, ai làm khác đi thì không chịu. Đó là sự chấp trước, chỉ thấy mình là người tốt còn mọi người khác đều xấu hết, nên cuối cùng rơi vào bế tắc và tuyệt vọng, họ không muốn chung sống với mọi người.
Qua bài học của câu chuyện trên, đã nói lên tâm từ bi rộng lớn của các vị Bồ-tát muốn cứu một sinh mạng khác, dù đó là kẻ thù. Ở đây, chúng ta thấy người có tấm lòng rộng mở khi giúp người vật trong cơn nguy khốn, sẽ không có sự tính toán vì ta, người, chúng sinh. Đức tính của các vị Bồ-tát là giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống mà không phân biệt người thân hay kẻ thù.
Chúng ta không thể thay đổi suy nghĩ và hành động của người khác, nhưng lại có thể làm chủ bản thân mình. Lời nói là của người khác bằng sự trù dập, bằng sự khống chế, bằng những thủ đoạn tinh vi mục đích là để hãm hại người. Người như thế có sống cũng chỉ vô dụng, càng có quyền cao chức trọng càng làm khổ nhiều người.
Đây là những dây chùm gửi ăn bám vào thân cây cổ thụ, làm cho thân cây chết dần theo năm tháng. Cây ngã, loại dây kia cũng khó bảo toàn. Cuộc sống là của chính mình, ta cần phải chứng minh cho cuộc đời bằng những hành động thiết thực với tinh thần đạo pháp và dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo” đừng để mọi chuyện ma mị làm ảnh hưởng đến điểm đích.
Cuộc đời này là một dòng trôi chảy, ta chỉ cần là chính mình, luôn làm những điều có lợi ích, dù có bị nhiều thế lực bất chính trù dập, ta vẫn không khiếp sợ mà sẵn sàng vươn lên để vượt qua mọi trở ngại đó. Biết lắng nghe, biết tiếp thu và biết sửa sai nhằm thay đổi hoàn cảnh sống, để ta và người cùng cảm thông và tha thứ cho nhau.
Chúng ta nên nhớ rằng, cuộc sống là một hành trình để con người tìm kiếm hạnh phúc và ai cũng muốn hạnh phúc ấy được vĩnh cữu và lâu dài. Ta vẫn không buồn phiền oán giận vì không thấy ai là kẻ thù, nên sẵn sàng dấn thân và cống hiến nhiều hơn nữa.
Thích Đạt Ma Phổ Giác