Những buổi chiều chạy theo chụp với dòng giai điệu của cố nhạc sĩ tài hoa, ta cảm nhận như đang neo lại trong một bờ sông nào đó trong dòng đời mênh mang. Hy sinh tặng phẩm quý báu của tạo hóa – thời gian – để ngoái nhìn quá khứ, ngẫm nghĩ hiện tại và hướng vọng về tương lai.

Mỗi lần nghe nhạc Trịnh là thấy êm đềm như gió thoảng mây trôi.

“…Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa…”
 


Ngày mới. Người vào guồng, việc vào guồng. Căng thẳng, hối hả, vồ vập. Để rồi người ta đánh rơi nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc cuộc đời sót lại trên những nẻo đường đời dài hun hút. Để rồi khi ngoảnh đầu lại, thấy vời vợi xa xôi những quá khứ.

Như cánh hoa Tường Vi dạo nào nhớ những ngón thon dài mân mê nghĩ ngợi.

Như vườn xưa phập phồng nỗi nhớ quắt quay những bước chân xưa vừa dấu hài nơi đất cát quê mùa.

Như ánh nhìn đau đáu về những miền sống biền biệt, diệu vợi nơi vết nứt thời gian khó có thể hàn gắn.

“…Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do…”


Những chuyến đi, tựa như vòng xe cuốn con người chu du khắp bốn bể năm châu. Những màu nâu ruột rà của nước non dân tộc, những màu trắng màu xanh của khám phá, những màu đen màu xám của phiêu lưu mạo hiểm.

Để thấy ta nhỏ bé “tựa lá cỏ”.

Để được thiên nhiên ôm ấp trong vòng tay trù phú, bao dung độ lượng

Để xin một vài đứa con của thần thời gian, một chút ít thôi, tạm lánh nạn trước cơn bão cuồn cuộn nhịp đời chảy trôi.
Để vội nhét vào ngăn tim một niềm yêu tự do vô bờ.
Để…

“…Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố xưa tôi về…”


Đi. Là để quay về. Về với khung trời kỉ niệm.

Những buổi chiều chạy theo chụp với dòng giai điệu của cố nhạc sĩ tài hoa, ta cảm nhận như đang neo lại trong một bờ sông nào đó trong dòng đời mênh mang. Hy sinh tặng phẩm quý báu của tạo hóa – thời gian – để ngoái nhìn quá khứ, ngẫm nghĩ hiện tại và hướng vọng về tương lai.


Đời biết đâu những bến bờ vô giá ấy, để ta soi lại chính mình trên cái bến nước cuộc đời. Để thấy những ngày xuân xanh như dòng suối: từ thượng nguồn trong trẻo róc rách nhịp nhàng, đến những vách đá lại tung mình trắng xóa những bọt nước vỡ tung, và rồi đục ngầu thong thả nơi đồng bằng.

“Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe”


Em có nghe không, ta hóa thác? Phăng phăng chảy qua dốc ghềnh, vùn vụt bay qua những thác cao vòi vọi. Tuổi trẻ đó, sức xuân đó, nhựa sống đó, như bọt sóng trắng xóa sùng sục sôi nơi chân con thác.

Nhưng khoảng thời gian những tinh thể trong veo ấy đi từ đỉnh đến chân thác, liệu có là mãi mãi? Không! Thậm chí nó còn ít ỏi đến nao lòng, bởi “bước chân người rất nhẹ” nhắc nhở “mùa xuân đã qua bao giờ”.

Tuổi trẻ trong cuộc đời, như một giấc mơ ngắn ngủi. Mơ đó, rồi tỉnh đó. Như tên bắn, như đạn bay. Như cái chớp mắt của thời gian nghiệt ngã…

Mỗi ngày bóc từng tờ lịch, lại thấy hanh hao những tháng ngày sắp qua. Nhưng con người không đầu hàng số phận khi chúng ta biết tự nuôi dưỡng mình bằng màu mỡ những miền yêu xưa…


“Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đóm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya”


Đời người như bếp lửa bập bùng sương sớm, thủng thẳng mùi cay nồng của khói trắng bảng lảng củi cháy đượm: cháy mãnh liệt và tàn cũng mau chóng. Thế mà vẫn hừng hực đốt lên những tia đỏ rạng ngời, nóng rẫy nhiệt huyết của sự sống đong đầy. Dẫu không níu giữ được lâu nhưng còn hơn nguội lạnh một góc khuất, và vẫn có thể bùng cháy khi những cơn gió đong đưa vỗ về.

Chợt tự hỏi, nếu chẳng có những trái tim sôi sục lửa sống ấy, liệu sẽ có “ngọn lửa chung rực rỡ” – văn minh nhân loại – ngày hôm nay? Hay lại cô đặc một màu quạnh quẽ u tối của bầu trời đêm không trăng sao chiếu ngời?

Này, đừng nói trời không công bằng nhé! Ta cứ nhìn đi, có thể ta đang mất mát nhưng bù lại, tạo hóa luôn âm thầm cho ta những món quà quý giá.

“Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như”


Chẳng phải những quỳnh, những dạ lý hương, những thiết mộc lan sinh ra để dành cho đêm , để dành cho những “vườn khuya” cô liêu chiếc bóng một màu tối?

Trời sinh bóng tối để biết quý trọng ánh sáng.
Trời tạo khổ đau để biết quý trọng hạnh phúc.
Có cái ác ta mới biết cái thiện là điều thiêng liêng.
Có “lão-bệnh-tử” để biết trân trọng chữ “sinh”.


Vậy mà nhiều khi cứ đăm chiêu, cứ hoang mang, cứ hụt hẫng đau người đau đời “đời ta hết mang điều mới lạ” mà quên xem xét cái bản ngã của mình đã cư xử như thế nào với đời.

Nhiều khi ta tưởng đang “mặt đối mặt” với đời, rồi chìm vào ảo mộng là đang “sống chân thực”. Rồi một ngày đời đánh ngay vào lớp mặt nạ, ta mới thấy hoang mang tột cùng

“Tôi đã sống rất ơ hờ”

Tuổi xuân như nước, lững lờ mà vụt qua
Tình yêu lại như gió, đậu nhẹ lên vai, rồi bay đi về miền mây trắng nắng trong.

“Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quì
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia”


Cuộc đời nào dám tin tưởng sự tuyệt đối, đặc biệt là càng nhạt nhòa hơn trong tình trường. Tình yêu đôi khi thật lạ lùng, thắm thiết đắm say lúc đầu bỗng chốc hóa sương hóa khói trôi về miên viễn mịt mùng.
 

“Em đã mang lời khấn nhỏ” ra đi, còn ta như một món đồ chơi đánh rơi trong miền kí ức của em, lặng lẽ “đứng bên đời kia”. Em xa ta như người sống kẻ chết, ranh giới vô định để ta “ôm vết thương tôi quì”

Phải chăng tình yêu chỉ là những cú trượt chạm ngẫu nhiên và kì quặc đến vô cùng, hợp hợp tan tan?

Phải chăng những nấm mồ là cái đích đến cuối cùng của những ngày xanh, của những sóng nước hùng vĩ cuộn trào, của những đóa hoa vô thường quyến rũ đêm đen, của những ngọn lửa nồng nàn cháy đỏ, và ta chia tay em đi về chân trời khác?

Thế thì xin đời cho ta mượn một bến đỗ nho nhỏ, để ta kịp khắc họa lại mình…

ST