Làm một người chân thật
Có thể thấy bản tính chân thật chính là kho báu trời sinh của mỗi người. Một người có bản tính chân thật và tấm lòng chân thành thì khi đối xử với người nhà sẽ đạt đến mức yêu thương nhất và sâu sắc nhất. Còn khi đối với bạn bè thì bản thân họ sẽ không có ác tâm tính toán, mưu mô mà luôn trong sáng vô tư và hết lòng. Đối với người khác, họ sẽ có thể khoan dung rộng lượng và không so đo thiệt hơn.
Làm một người giữ được bình tĩnh
Tĩnh là một loại tâm bình thản và là một loại chí khí. Thủ tĩnh chính là giữ được chí hướng, giữ được bản tâm khí tiết của mình. Muốn tĩnh thì chúng ta cần phải tu dưỡng bản thân trở thành người mà ở ngoài thân thì rảnh rang không vướng bận còn ở trong tâm thì an tĩnh. Tĩnh không phải là im lặng mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái cân bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâmthông qua tự thân điều tiết mà có. Người có tâm bình tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của thế tục. Nó cũng có thể làm mất dần tham niệm và những chấp trước mê muội.
Tự soi xét lại bản thân
Tự soi xét lại mình chính là kiểm điểm sâu sắc lỗi lầm của bản thân mình hơn nữa tự trách mình còn là lời xin lỗi đối với người khác. Khi giữa người với người phát sinh mâu thuẫn hay xung đột thì chỉ có tự xét lại và tự trách mình mới có thể hóa giải được mâu thuẫn và biến mâu thuẫn thành tường hòa. Vì vậy trách người không bằng trách mình. Người quân tử xưa nay đều tự xét lại bản thân mình, kẻ tiểu nhân không nhìn lại bản thân mình mà thường xuyên oán trời trách đất, trách người và trong lòng tràn đầy bực tức. Một chính nhân quân tử thường xuyên tìm những thiếu sót ở bản thân mình mà không trách cứ người khi đó người ấy dù không tu đạo nhưng đã ở trong đạo rồi.
Can đảm đối mặt với khó khăn
Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin và mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình cũng như tin tưởng vào chính mình. Làm được như vậy chúng ta sẽ phát hiện ra rằng sinh mệnh của chúng ta có một sức sống mới khiến cho mỗi ngày bản thân chúng ta sống tốt hơn.
Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Bởi mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức hàng ngày đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Trong thực tiễn có người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, nhưng đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ biến thành người có tội. Đối với mỗi con người việc rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công và trong mọi mối quan hệ xã hội.
Người Phật tử phải biết vận dụng lời Phật dạy vào trong đời sống gia đình để gia đình là một cộng đồng có yêu thương, hòa hợp, sống êm ấm và hạnh phúc. Giáo lý duyên khởi và con đường Bát Chánh Đạo sẽ giúp đời sống gia đình biết cách yêu thương bằng trái tim hiểu biết, kính trên nhường dưới và thuận thảo, vui vẻ với nhau. Ta không nên nghĩ rằng, ta có quyền bắt mọi người phục tùng theo ý muốn và sở thích của mình. Giáo dục đạo đức gia đình, học đường và xã hội như cái đỉnh ba chân không thể thiếu bất cứ chân nào chúng luôn bổ túc và bồi đắp cho nhau bằng cách dạy dỗ con người sống có ý thức với sự hiểu biết chân chính.