Ban Tổ chức: Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ICDV: ICDV đã thành lập Ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Việt Nam 2019 gồm 51 thành viên…Nguồn gốc của Đại lễ Vesak LHQ

Từ xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014 do GHPGVN
đăng cai tổ chức tại Bái Đính (Ninh Bình) – Ảnh: Bảo Toàn

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) là sự kiện văn hóa và nhân văn trên phạm vi quốc tế của tổ chức LHQ. Vào ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng LHQ, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức công nhận: Phật giáo là tôn giáo điển hình và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu, bởi phương châm “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển” của LHQ ngày nay trùng với tư tưởng của Đức Phật từ xưa.

Đại hội đồng LHQ đã nghị quyết: LHQ sẽ tổ chức Đại lễ Vesak vào thời gian tương đương với ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hàng năm. Đại lễ Vesak được tổ chức tại Trụ sở LHQ ở thành phố New York, Hoa Kỳ và các trung tâm LHQ ở các khu vực trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Các nước có Phật giáo, có thể đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ tại nước mình, theo cam kết và thực hiện các quy định của LHQ.

Trong năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở LHQ, New York, với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia. Từ năm 2004 đến nay, Đại lễ Vesak được các nước có Phật giáo đăng cai tổ chức 12 lần, trong số đó 9 lần tổ chức tại Thái Lan dưới sự bảo trợ của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự chứng minh của Giáo hội Tăng-già Thái Lan, Trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkorn là đơn vị tổ chức chính tại Trung tâm Hội nghị LHQ Châu Á – Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Một lần tổ chức tại Sri Lanka vào năm 2016. Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vessak LHQ đã trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế – Xã hội của LHQ từ năm 2013. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới.

Hai lần được tổ chức tại Việt Nam. Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đăng cai, chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak LHQ với sự phối hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai và tổ chức Đại lễ này từ nguồn kinh phí xã hội hóa với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chính phủ để đảm bảo về: an ninh, an toàn trong và ngoài Đại lễ, truyền thông và các hoạt động liên quan. Đại lễ Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam vào dịp Đại lễ Phật đản, để dễ hiểu và gần gũi với người Việt Nam, một số ý kiến đã đề nghị nên dùng từ Đại lễ Phật đản LHQ thay cho dùng Đại lễ Vesak LHQ, ở Việt Nam quen dùng Đại lễ Phật đản LHQ từ đó.

Đại lễ Vesak LHQ 2019

Theo đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Vesak năm 2019 được chuyển đăng cai, tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam.

Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại Công văn số 657/TGCP-PG ngày 26-6-2018 của Ban Tôn giáo Chính phủ; Công hàm số 503/NG-TCQT ngày 9-7-2018 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ (ICDV).

Ngày 22-9-2018, tại Hội nghị mở rộng của ICDV, Hòa thượng GS.TS Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak ủng hộ và chấp thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Việt Nam; Văn bản số ICDV/024-2018.

Thời gian: Từ ngày 12 – 14-5-2019, tại Khu du lịch Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Số lượng và thành phần tham dự: Dự kiến số lượng khách mời quốc tế: 1.500 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đại biểu trong nước: 1.500 đại biểu; đồng bào nhân dân tham dự các hoạt động của đại lễ mỗi ngày khoảng 10.000 người.

Nội dung: Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, Đại lễ có 5 Hội thảo với các chủ đề: (1) Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững; (2) Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; (3) Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu; (4) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo; (5) Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như triển lãm, các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham quan… Kết thúc Vesak 2019 là bản Tuyên bố của Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam.

Về kinh phí: Nguồn tài chính đảm bảo cho tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động, thực hiện xã hội hóa, Nhà nước không hỗ trợ.

Công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak 2019

Cơ sở vật chất: Khu du lịch Tam Chúc rộng 1.087,17ha. Trong quần thể lớn có nhiều công trình, riêng công trình phục vụ cho Đại lễ đã và đang được hoàn thành có: Điện Tam thế, Điện Pháp chủ, Điện Quan Âm, chùa Ngọc, Thủy đình, Hội trường, Khu khách sạn, Cổng tam quan, Vườn cột kinh, Khu vực cảnh quan, Hồ nước cùng các tuyến đường nội bộ trong Khu du lịch Tam Chúc tạo nên một cảnh quan xanh, sạch đẹp của khu du lịch tâm linh có tầm cỡ trên thế giới. Theo dự kiến của nhà đầu tư, công trình từ khi khởi công cho tới khi hoàn thành phải mất thời gian khoảng 50 năm.

Khách mời: Khách mời quốc tế gồm có: Nguyên thủ một số quốc gia, chính khách, nhà ngoại giao, các tổ chức văn hóa quốc tế, lãnh tụ Phật giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ,… Trong nước là đại diện lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đại biểu đại diện cho Đảng , Nhà nước, các cơ quan, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội,…

Thông tin tuyên truyền: Đại lễ Vesak 2019 sẽ đón một lượng lớn đại biểu quốc tế cũng như thu hút được sự tham dự của đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài. Đây sẽ là kênh quảng bá, giới thiệu có hiệu quả hình ảnh Việt Nam đang mở rộng các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế, đồng thời thông qua tổ chức Đại lễ Vesak, khẳng định vai trò và đóng góp của Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài dựng nước và phát triển đất nước. Đại lễ không chỉ là dịp để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện mà còn cần sự hưởng ứng của cả xã hội, nhất là địa phương trực tiếp nơi diễn ra Đại lễ.

Ban Tổ chức: Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ICDV: ICDV đã thành lập Ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Việt Nam 2019 gồm 51 thành viên do Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit (Thái Lan) là Chủ tịch; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS đồng Chủ tịch; Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã thành lập Ban Tổ chức Đại lễ Vesak của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 68 thành viên do HT.Thích Thiện Nhơn làm Chủ tịch. Ban Tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 23 tiểu ban. Các tiểu ban và Ban Tổ chức Đại lễ đã triển khai các kế hoạch để thực hiện từng phần việc cụ thể cho Đại lễ được đảm bảo thành công.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2-1-2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 03/QĐ-BNV, về việc thành lập Tổ công tác liên ngành hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Việt Nam. Với thành phần gồm đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan.Tổ công tác liên ngành là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ về các hoạt động liên quan tới Đại lễ. Tổ công tác làm đầu mối liên hệ giữa các cơ quan, các ngành và địa phương liên quan với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để giải quyết các công việc liên quan tới Đại lễ như: đảm bảo quan hệ đối ngoại với các tổ chức và cá nhân quốc tế, an ninh, an toàn, tuyên truyền trong và ngoài nước, các hoạt động liên quan tới văn hóa, đảm bảo an toàn về sức khỏe,…Tổ công tác liên ngành chủ trì xây dựng kế hoạch, đề xuất các điều kiện đảm bảo và phương án hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện thành công Đại lễ Vesak năm 2019 tại Việt Nam.

Bùi Hữu Dược – Thiều Quang Hiếu
PhapPhucNguyenDung.com trích dẫn từ Giác Ngộ Online