Giữa dòng chảy cuộc sống, trong các mối tương quan trùng trùng điệp điệp của xã hội, có thể mọi thứ bị xô dạt và chúng ta cứ cho là mặc nhiên như thế, tới đâu thì tới, rồi phó mặc cho hoàn cảnh và xem đó là định mệnh.

Nhiều người trong chúng ta có lẽ cùng chung nỗi sợ hãi trước các biến cố như mất mát, bệnh tật, thất bại… Và thường tránh né, kiêng kỵ, ta chỉ mong cầu sự tốt đẹp, vinh hiển, khỏe mạnh; trong khi đó, tất cả điều đó chỉ là hiện tượng của sự sống vô thường.

Người viết từng được nghe lời đáng suy ngẫm của một vị tôn túc giáo phẩm Hòa thượng khi đến thăm lúc ngài đang lâm bệnh. Vị giáo phẩm này không chút phiền não mà trái lại hoan hỷ chia sẻ: “cảm ơn cái bệnh”. Bởi vì nó như là điểm dừng chân, để nhìn lại và nhắc nhở về ý nghĩa của cuộc sống này không có gì là chắc chắn, sự an lạc không đến từ bên ngoài.

Trong ý nghĩa đó, những hiện tượng bất như ý như sự mất mát, thất bại, ngay cả cái bệnh được cho là nan y không còn là điều đáng sợ, mà là dịp để suy ngẫm về những nhân duyên trực tiếp cũng như sâu xa, theo đó điều chỉnh lối sống, để có được sự vững chãi “bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Năm qua, chúng ta cũng chứng kiến nhiều đại án liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và các tỉnh thành. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp phải hầu tòa, bị tuyên án và phải chịu sự tù giam. Danh tiếng bỗng chốc tan biến ảo hóa như mây trên bầu trời, cơn bão dư luận đã cuốn đi không chỉ sự tốt đẹp của chính họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình, người thân.

Trong “pháp giới trùng trùng duyên khởi”, nếu thiếu tỉnh giác, không vượt lên được lòng tham lam, sự sân hận và tâm si mê, mọi thành tựu có thể bị sụp đổ, người lãnh đạo có thể trở thành tội phạm, người tu có thể đánh mất phẩm tính hướng thượng ban đầu, dễ dàng sa lầy vào danh vọng và lợi dưỡng.

Nếu sống trong chánh niệm và chánh định, mỗi phút giây đều trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa, sự an lạc, hạnh phúc sẽ có mặt trong suy nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày. Còn bị lòng tham chi phối, sự sân hận thúc đẩy thì dù thành đạt, có chức cao, tài sản nhiều vẫn không thoát được nỗi sợ hãi và lo âu trước biến động của cuộc đời. Và như thế, cuộc sống dẫu trăm năm cũng sẽ qua đi, vẫn tan biến như bọt nước, trong sự bàng hoàng cho dù vẫn đầy khao khát bền vững.

Dẫu biết năm tháng cũng mang tính ước lệ, nhưng cũng như lời của vị tôn túc đã nói, là dịp để chúng ta nhìn lại, ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời.

Với người Phật tử, nghĩa là người có niềm tin nhân quả, sống trong tình thương và được soi sáng bởi trí tuệ, nhận thức cái này sinh thì cái kia sinh…, trong mỗi dịp năm cũ qua và năm mới đến, cùng phát nguyện – cam kết làm tốt cho cuộc đời, nếu không như thế thì cũng đừng gây nên điều bất thiện, để di hại về sau cho mình, cho người và cho môi trường.

Người tin Phật quan niệm rằng, cuộc đời này là một đoạn trong chuỗi luân hồi tái sinh. Nói như Đức Đạt-lai Lạt-ma, đời người là một chuyến du lịch, do đó ý thức để mỗi chuyến đi đều ý nghĩa, kiến tạo được hạnh phúc, niềm an vui và thú vị trên mọi hành trình, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Thích Pháp Hỷ (Báo Giác Ngộ số 1034)