Hãy nhớ rằng chỉ có chính bạn là người có thể thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn và thiền đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó đối với không biết bao nhiêu người. Sau đó hãy tập tự kiềm chế một ít, nhất là lúc ban đầu, để duy trì kỷ luật của việc mỗi ngày thường xuyên hành thiền.
Khi bắt đầu đi theo con đường Phật dạy, dĩ nhiên là bạn sẽ muốn thay đổi cách sống, cách ứng xử để hỗ trợ cho việc tu tập của mình. Đây là một số những chuyển đổi mà bạn sẽ thấy lợi ích khi tiến bước trên con đường thực nghiệm tâm linh; chúng sẽ giúp bạn chế ngự những trở ngại trong công phu tu tập mà bạn phải thực hiện theo các chương tiếp theo. Đừng nản chí; một số những đề nghị này có thể là những thử thách lớn mà bạn phải vượt qua trong một thời gian dài.
Tốt nhất là bạn hãy bắt đầu bằng cách đánh giá một cách trung thực về những hoạt động quen thuộc hàng ngày của bạn. Xét xem bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào. Hãy tạo ra thói quen thường tự hỏi mình “Công việc hay hoạt động này có thực sự cần thiết không, hay nó chỉ là một cách để chúng ta tỏ ra bận rộn?”. Nếu bạn có thể giảm bớt hay loại bỏ một số hoạt động, bạn sẽ được thanh tịnh, yên tĩnh hơn, là những yếu tố cơ bản để tiến lên trên đường tu tập.
Hiện tại có thể bạn đang có rất nhiều trách nhiệm đối với gia đình hay những người đang cần đến bạn. Thế cũng tốt, nhưng hãy cẩn thận đừng để phải hy sinh những cơ hội thanh tịnh tâm và phát triển tuệ giác. Giúp người khác là điều quan trọng, nhưng như Đức Phật đã dạy rất rõ ràng, chăm lo cho sự phát triển của chính bạn là ưu tiên hơn cả.
Hãy tập thói quen mỗi ngày dành ít thời gian cho riêng mình trong tĩnh lặng, hơn là lúc nào cũng có mặt bên người khác. Nếu tất cả thời gian của bạn đều ở bên người khác, bạn dễ bị vướng vào các hoạt động và những câu chuyện phù phiếm. Điều đó khiến ta khó duy trì sự hành thiền. Dù đang sống trong môi trường nào, nếu bạn muốn phát triển sâu xa hơn sự hiểu biết và trí tuệ của mình, thỉnh thoảng bạn phải tạm dừng các bổn phận để có thời gian cho riêng mình.
Dĩ nhiên, sự yên tĩnh bên ngoài không phải lúc nào cũng đủ. Ngay khi ở nơi yên tỉnh, chí có một mình, đôi khi chúng ta cũng tự thấy mình bị chế ngự bởi lòng sân hận, ganh ghét, sợ hãi, lo âu, căng thẳng, tham đắm và hoài nghi. Và cũng có những lúc tâm ta hoàn toàn tự tại, thanh tịnh dầu quanh ta nào nhiệt, ồn ào.
Đức Phật đã giải thích nghịch lý này như sau. Ngài dạy rằng nếu ít có lòng cố chấp hay tham đắm, ta có thể sống yên tĩnh giữa đám đông. Ta có thể buông bỏ những ý niệm về sở hữu hay chiếm hữu. Những người ta yêu thương, của cải, công việc, các mối liên hệ ràng buộc, quan điểm và ý kiến – ta bám víu vào tất cả những thứ này. Khi giảm thiểu được sự bám víu này, ta tiến gần hơn đến sự giải thoát nội tại, là bản chất của thanh tịnh. Sự thanh tịnh thật sự chỉ có trong tâm ta. Một người với tâm hồn tự tại trước những ràng buộc của bám víu và sở hữu, theo Đức Phật, là người “độc cư”. Và người mà tâm luôn chứa đầy ham muốn,sân hận và si mê là người “sống có bầu bạn” –ngay cả khi họ sống một mình. Như thế, sự hỗ trợ tốt nhất cho việc tu tập của chúng ta, là một tâm đã được rèn luyện.
Có người tin rằng các nghi lễ truyền thống giúp tâm họ được thanh tịnh, đồng thời nhắc nhở họ đến điều gì thật sự là quan trọng. Bạn và gia đình có thể cùng cầu nguyện, đốt hương, trầm, đèn cầy, hay dâng hoa lên hình tượng Đức Phật mỗi ngày. Những nghi thức đơn giản, trân trọng này sẽ không đem lại giác ngộ cho bạn, nhưng chúng có thể là những dụng cụ hữu ích để chuẩn bị tâm cho sự thực hành chánh niệm hằng ngày.
Một cuộc sống nề nếp, kỷ luật cũng có thể là một nguồn hạnh phúc. Hãy quan sát kỹ môi trường quanh bạn. Nếu phòng ngủ của bạn đầy quần áo dơ, nếu trên bàn làm việc của bạn ngổn ngang sách vở, giấy tờ, dĩa vi tính, báo củ, và nếu chén đĩa từ tuần trước vẫn còn đầy trong bếp, thì làm sao tâm bạn có ngăn nắp? Sự tu tập phát triển từ ngoài vào trong. Hãy dọn dẹp nhà cửa cho sạch trước, rồi mới hướng vào trong để quét sạch bụi bặm của tham, sân và si.
Có được một cơ thể khỏe mạnh cũng đem lại lợi ích cho sự tu tập. Yoga hay các hình thức thể dục khác cũng góp phần cho tâm khỏe mạnh. Mỗi ngày hãy đi bộ ít nhất một lần. Đi bộ vừa là một môn thể thao tốt, vừa là một cơ hội để thực tập chánh niệm một mình trong yên lặng.
Một nguồn dinh dưỡng đầy đủ và điều độ cũng hỗ trợ cho sự tu tập tâm linh. Hãy ăn sáng thật đầy đủ, bữa trưa vừa đủ, và bữa tối nhẹ sẽ khiến bạn dễ chịu hơn sáng hôm sau. Có câu cổ ngữ rằng, “Hãy ăn sáng như một hoàng đế, chia sẻ bữa trưa với bạn bè, và ăn bữa tối thiếu thốn như một kẻ hành khất”. Các loại thức ăn nhanh, rượu, cà phê và những chất kích thích khác sẽ khiến ta khó chú tâm. Hãy ăn để sống, đừng sống để ăn. Đừng biến việc ăn uống thành một thói quen không chánh niệm. Nhiều hành giả tham gia thực hành việc thỉnh thoảng bỏ bữa không ăn, đã nhanh chóng chứng minh được rằng khi ta nghĩ là mình đói, thật ra chỉ là thói quen.
Cuối cùng, hãy tự rèn luyện để hành thiền mỗi ngày. Hành thiền mỗi buổi sáng ngay sau khi bạn vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi bạn đi ngủ sẽ giúp bạn tiến bộ. Nếu không thể duy trì sự hành thiền đều đặn, hãy tự hỏi mình tại sao. Có thể vì bạn còn nghi ngờ tầm quan trọng của thiền, hay sợ rằng nó sẽ không giúp bạn giải quyết được các vấn đề của mình. Hãy quan sát sự sợ hãi và hoài nghi của bạn một cách thấu triệt. Hãy đọc những câu chuyện đời của Đức Phật và những người đã tu thiền để đạt được hạnh phúc vĩnh hằng. Hãy nhớ rằng duy chỉ có bạn là người có thể thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn và thiền đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó đối với không biết bao nhiêu người. Sau đó hãy tập tự kiềm chế một ít, nhất là lúc ban đầu, để duy trì kỷ luật của việc mỗi ngày thường xuyên hành thiền.
Thiền sư Gunaratana
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch