Từ cổ chí kim gia đình hòa thuận, đều là gốc rễ cho 1 gia đình hưng thịnh. Cha ông ta đã nói, ở chung dưới 1 mái nhà, làm gì có chuyện gáo nước không chạm đến vách nồi. Cả 1 nhà chung sống với nhau, đối mặt với cơm áo gạo tiền trong cuộc sống, khó tránh sẽ nảy sinh mâu thuẫn, chỉ cần giữ vững sự kiên nhẫn và tin cậy, thấu hiểu và bao dung lẫn nhau, gia đình tự nhiên sẽ hòa thuận.
Đừng bao giờ ảo tưởng do may mắn, tự nhiên mà có được một gia đình ấm êm, hòa thuận và cũng đừng hiểu ấm êm, hòa thuận là không có bất đồng, tranh cãi. Tạo dựng được một nếp nhà tốt, bền vững đòi hỏi người trụ cột (vợ – chồng) trước hết phải ý thức được vai trò của gia đình; hiểu rõ được tính nết mỗi thành viên và biết cách cư xử, cách giải quyết những tình huống, những mâu thuẫn xảy ra cho phù hợp. Không có công thức chung cho việc giải quyết từng mâu thuẫn vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người mỗi tính… nhưng vẫn có những nguyên tắc, yêu cầu chung trong việc giải quyết các loại mâu thuẫn gia đình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất:
Đừng dành tâm trạng xấu nhất cho gia đình
Người nhà là người thân thiết nhất với chúng ta, cũng là người mà chúng ta nói chuyện không kiêng dè nhất, chúng ta sẽ quan tâm đến giao tình khi đối mặt với bạn bè, sẽ lưu ý chừng mực của cấp dưới khi đối mặt với cấp trên, chỉ khi đối mặt với người thân cận nhất với chúng ta, thì khi trò chuyện mới hoàn toàn không hề có bất cứ kiêng dè nào.
Điều ngu ngốc nhất mà chúng ta đã làm chính là: Dành tâm trạng tốt nhất cho người lạ, nhưng lại dành tâm trạng xấu nhất cho người nhà.
Lắng nghe bằng cả 2 tai
Đôi tai là nơi tiếp nhận những lời giải thích hoặc lý lẽ của người khác. Nếu bạn không chân thành lắng nghe đối phương bằng cả hai tai thì khả năng bạn sẽ tiếp tục ấm ức hoặc bực tức là rất cao.
Khi chịu khó lắng nghe người khác, bạn sẽ hiểu được những khía cạnh khác của cùng một vấn đề từ góc nhìn của người đối diện. Khi đã nắm được lý do vì sao đôi bên có mâu thuẫn thì từ đó các giải pháp dung hòa hoặc giải quyết triệt để mâu thuẫn mới có cơ hội được góp mặt.
Học cách quên
Một trong những phép ngừa mâu thuẫn hữu hiệu là bạn phải học cách quên đi những lỗi lầm cũng như xích mích trước đây với các thành viên khác. Thật vậy, việc cứ ôm khư khư những tức tối vì một mâu thuẫn nào đó trong quá khứ sẽ chỉ làm khổ bạn mà thôi. Trong cuộc sống bộn bề lo toan và đầy trăn trở, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn nếu biết cách thả trôi đi những mối dây mâu thuẫn trong quá khứ để hướng đến một ngày mai vui tươi hơn.
Đừng tiết kiệm lời xin lỗi
Hai loại ngôn từ mà con người không muốn “phát ngôn” nhất chính là lời khen thật lòng và lời xin lỗi. Tuy nhiên, một người làm lỗi và biết xin lỗi sẽ còn được đánh giá cao hơn cả người không bao giờ mắc lỗi. Nếu người có lỗi là bạn, hãy dẹp qua hết những tự ái cá nhân hoặc sĩ diện bản thân mà gửi lời xin lỗi đến đối tượng.
Ông Bà ta đã nói “Đánh kẻ chạy đi, chẳng ai đánh người chạy lại”. Do đó, một lời xin lỗi đúng lúc đúng việc sẽ là phương thuốc xoa dịu và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Người thân thiết nhất cũng là người mà chúng ta làm tổn thương sâu đậm nhất
Tâm trạng có thể truyền nhiễm lẫn nhau, mang sự buồn bực ở công ty trở về nhà, sẽ tưởng như biến gia đình trở thành thùng rác của tâm trạng. Thời gian lâu rồi, trong nhà sẽ không còn cách nào nghe thấy tiếng cười nói đùa giỡn nữa.
Cho nên, mỗi ngày sau khi về đến nhà, hãy bỏ qua hết phiền não của mình. Chỉ có như vậy, “nhà” mới là bến cảng ấm áp.
Tục ngữ có câu nói rất hay, gia hòa vạn sự hưng, gia đình hòa thuận, người trong nhà sẽ không phải tiêu hao quá nhiều sức lực cho mâu thuẫn trong gia đình, như vậy sẽ có tâm tư, có năng lực đi làm những chuyện khác.
Người xưa thường nói “nội trợ đảm đang”, chính là đang nói có 1 người vợ có thể lo cho gia đình, như vậy người chồng sẽ không phải buồn lòng cho gia đình, yên tâm tạo lập sự nghiệp. Người ta thường nói, phía sau 1 người đàn ông thành công, nhất định sẽ có 1 người phụ nữ giỏi giang. Đây đều nói lên được tính quan trọng của gia đình ổn định, sống với nhau hòa thuận.
Gia đình hòa thuận, cũng giống 1 nền tảng của ngôi nhà vậy.
Chỉ có nền tảng vững chãi, người trong nhà mới có khả năng đón nhận giông bão;
Chỉ có nền tảng vững chãi, người trong nhà mới có lòng tin đối diện với thử thách;
Chỉ có nền tảng vững chãi, gia đình này mới có hy vọng để hưng thịnh.
–Sưu tầm–