Khi bị phiền não (thương, ghét, buồn, giận, nuối tiếc, ân hận, v.v…), đó là trong tâm đang chiếu phim cho ta xem. Trong đạo gọi đó là “tưởng”, tức là tưởng nhớ quá khứ, rồi phát sinh ra “thọ” (cảm thọ). Khi rơi vào cảm thọ người ta thường mắc kẹt trong đó không biết đường ra. Thí dụ như buồn thì cứ buồn hoài không nguôi; nhớ thì cứ nhớ hoài không quên; giận thì cứ giận mãi không hết, v.v… Khi gặp trường hợp này, tôi gọi đó là bị nhốt trong “phòng cảm thọ”.
Con người được cấu tạo bởi “năm uẩn” (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), giống như một căn nhà có năm phòng. Có lúc bạn tưởng mình là “sắc” (thân thể) khi chăm lo cho nó ăn uống, ngủ nghỉ. Có lúc bạn tưởng mình là “thọ” khi bị đau nhức, bệnh hoạn hoặc buồn khổ trong tâm. Có lúc bạn cho mình là “tưởng” khi tưởng nhớ quá khứ, hay tưởng tới tương lai. Có lúc bạn cho mình là “hành” khi suy nghĩ, tính toán, lo lắng đủ chuyện. Có lúc bạn tưởng mình là “thức” khi cảm thấy mình biết cái này cái nọ. Trong ngày, bạn cứ chạy lòng vòng, quanh quẩn trong năm căn phòng này. Nhưng mỗi khi bị phiền não thì bạn quên mất mình là chủ nhà có khả năng qua lại tự do và nằm yên chịu trận trong căn phòng cảm thọ.
Bên trên nói bạn “đổi đài trong tâm”, tức là nhắc bạn hãy bước ra khỏi phòng cảm thọ bằng cách đi qua “phòng tưởng” (nhớ lại chuyện vui) hoặc “phòng hành” (suy nghĩ chuyện vui). Nhưng nếu không làm được thì bạn hãy vùng dậy, bước qua “phòng sắc”, bằng cách an trú vào hơi thở nếu đang ngồi, hoặc theo dõi bước chân nếu đang đi, hoặc chú tâm vào bất cứ hành động nào thân đang làm.
Huệ Minh tổng hợp