Mỗi người chúng ta đều có một đóa hoa tâm thanh tịnh sáng suốt ngay nơi thân vô thường bại hoại. Sen là loài sống dưới bùn nhơ nước đục, nhưng vẫn hiên ngang vươn lên để nở các đóa hoa tinh khiết mà tặng cho đời hương thơm bất diệt.
“Mới sinh ra, ta đã khóc, mọi người cười.
Vậy ta sống, như thế nào, khi ra đi, mọi người khóc, còn ta cười.”
Phải đúng như vậy không các bạn? Tiếng khóc oe oe báo hiệu một chúng sinh vừa mới chào đời trong niềm vui vô hạn của người thân, nhất là người mẹ.
“Hổ chết để da, người chết để tiếng” nhưng thế gian này mấy người được như thế, ta phải sống làm sao cho đáng sống để đến khi chết đi mọi người sẽ khóc tiếc thương, nhưng ta vẫn cười vì ta biết được con đường ta đi, đường ta đi thênh thang rộng lớn khi ta biết sống vì mọi người. Sống để yêu thương, sẻ chia cùng với tha nhân là một nghệ thuật ứng xử có văn hóa, có tình người, là một quá trình rèn luyện nhân cách từ khi ta còn học nơi mái ấm nhà trường cho đến khi khôn lớn trưởng thành.
Nhờ học ta mới có một trình độ kiến thức nhất định, có hiểu biết sâu sắc để sau này lớn lên, ta có quyền chọn cho mình một nghề nghiệp thích hợp nhằm phục vụ cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội ngày càng được tốt đẹp hơn.
Cho nên chúng tôi có một câu đối dùng để gối đầu nằm, nhằm thức tỉnh và răn nhắc chính mình nhiều hơn. “Học mở rộng tầm nhìn kiến thức
Tu sửa tâm ngày một sáng trong”
Năm nay chúng tôi vừa tròn 53 tuổi nhưng vẫn phải vừa học, vừa tu, vừa phục vụ, vì nếu không học thì giống như người mù đi trong đêm tối và nếu không tu thì ta chỉ biết sống cho riêng mình, đã vì ta thì làm sao vì người?
Tôi đã bỏ qua việc học gần nữa đời người, bây giờ muốn học thì khó khăn vô cùng, học trước quên sau, học rồi trả lại cho thầy, trả lại cho sách vở.
Tôi nói ra đây mà trong lòng cảm thấy hổ thẹn vô cùng, kính mong các bạn, các pháp lữ chớ để một người luống qua suông vô ích. Nếu ta không vì người, thì ta sẽ sống cho riêng mình nhiều hơn mà trở nên ích kỷ, hẹp hòi để bảo vệ chủ nghĩa cá nhân, do đó dễ gây đau thương mất mát cho người và vật.
Cuộc sống nhân loại ngày càng văn minh và tiến bộ, nếu ta thiếu hiểu biết về con người, về cuộc sống, về tâm linh, thì khó mà hòa hợp và vươn lên cùng xã hội, cho nên học để mở rộng tầm nhìn kiến thức, tu sửa tâm ngày một sáng trong. Một đất nước nhiều người mù chữ, nhiều người dốt nát, thử hỏi đất nước đó có văn minh tiến bộ được hay không?
Do đó học để nâng cao trình độ hiểu biết, nhận định đúng sai, tốt xấu hay dỡ, mà cố gắng tránh những điều sai lầm đáng tiếc có thể gây khổ đau và làm tổn hại cho nhiều người. Chúng tôi xin được kính,
“Tặng người một đóa sen vàng
Nở hoa thơm ngát từ bùn dơ hôi.”
Mỗi người chúng ta đều có một đóa hoa tâm thanh tịnh sáng suốt ngay nơi thân vô thường bại hoại. Sen là loài sống dưới bùn nhơ nước đục, nhưng vẫn hiên ngang vươn lên để nở các đóa hoa tinh khiết mà tặng cho đời hương thơm bất diệt. Cho nên ca dao dân gian Việt Nam có câu:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen…..Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Quả thật sen sống dưới bùn mà không bị bùn làm ô uế mà vẫn vươn lên tỏa ngát hương thơm dịu mát, về lịch sử hoa sen đã có mặt ở nước ta trên hai ngàn năm mà trên mọi miền đất nước đều trồng được.
Hoa sen là biểu tượng tâm linh và được tôn làm quốc hoa của người Việt Nam. Nếu có dịp quán sát ta sẽ nhìn thấy hoa sen vừa mới nhú khỏi bùn, có những hoa sen vừa nhú lên trong nước và có nhiều hoa sen vượt khỏi mặt nước vững vàng cung cấp cho đời những đóa hoa thơm ngát.
Cũng vậy thân này tuy là một tổ hợp vật chất do nhiều yếu tố kết tinh lại, nên bản chất của nó là phải có sinh, có già, có bệnh, có chết, do đó nó luôn biến đổi theo thời gian tùy theo khả năng chúng ta đã gieo tạo nghiệp nhân tốt hay xấu trong quá khứ mà cho ra kết quả trong hiện tại. Nhưng ngay nơi sắc thân này có một tính biết sáng suốt.
Cái biết ấy nương nơi mắt nhìn thấu rõ mọi vật không lầm lẫn, cái biết ấy nương nơi tai lắng nghe tận cõi lòng của chúng sinh mà sẵn sàng chia vui sớt khổ và mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.
Cái biết ấy thì không có sống chết, nhưng thân này có người sống thọ, có người chết yểu, người sống thọ là người không có tâm giết hại mà hay mở rộng tấm lòng nhân ái giúp người cứu vật.
Người chết yểu hoặc bệnh hoạn nhiều, là người hay sát sinh hại vật, tuy nhiên sống thọ hay chết yểu đối với nhà Phật không quan trọng. Dù sống một trăm năm, mà không giúp ích gì được cho ai, thà sống một ngày mà biết chia vui sớt khổ để cùng chan hòa tình yêu thương chân thật đối với mọi người.
Học và tu là lý tưởng sống thiết thực luôn giúp ích cho chúng ta có cách nhìn sáng suốt hơn, nó như đôi cánh chim tung bay khắp bầu trời mà không bị sự ngăn ngại nào nhờ có đôi mắt sáng biết nhìn thấu suốt mọi sự vật.
Do đó ta biết mở rộng tấm lòng thương yêu trong bình đẳng, mà sẵn sàng đem niềm vui đến mọi người, cho nên dễ dàng cảm thông và tha thứ, khoan dung và độ lượng, mà cùng nhau san sẻ nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh.
Người thế gian thì có câu: “học đi đôi với hành” tức là phải tiếp thu kiến thức thông qua học tập ở trường, qua sách vỡ và tự học. Chữ hành theo nghĩa thế gian tức là làm một công việc gì đó được thành công tốt đẹp, dựa theo kiến thức đã học được.
Học đi đôi với hành là môt việc làm thiết thực không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vậy học là gì? Hành là sao?
Học là tiếp thu những kiến thức cơ bản mà nhân loại đã đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử, ai cũng phải học để mở mang hiểu biết qua lời dạy của thầy cô giáo ở nhà trường, học ở bạn bè, tự học ở sách vỡ và thực tế trong cuộc sống.
Mục đích của việc học là giúp cho chúng ta có một kiến thức sống, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt mà làm chủ công việc của mình, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình và dấn thân phục vụ xã hội để được thăng hoa trong cuộc sống.
Hành là sau khi học hỏi những kiến thức đó, rồi biết áp dụng thực tế vào trong việc làm hằng ngày. Như người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để thu hoạch với nâng suất cao.
Người mua bán biết cách vận chuyển lưu thông hàng hóa để đem đến cho người tiêu dùng đầy đủ. Người thầy thuốc biết vận dụng việc học của mình để chữa bệnh cứu người trong lúc đau ốm.
Tương tự như thế các việc học khác cũng để đóng góp và phục vụ cho đời sống con người. Nhưng chính yếu vẫn là tự học trong thực tế cuộc sống, ngoài việc học ở trường lớp nhờ thầy cô giáo chỉ dạy hoặc học qua bạn bè, chúng ta muốn nâng cao trình độ hiểu biết thì phải tự học thêm qua các phương tiện khác.
Quá trình tự học là rèn luyện cho mình có thêm ý chí và nghị lực, để chúng ta có đủ khả năng phục vụ tốt cho xã hội. Trong cuộc sống cha mẹ là thầy giáo đầu tiên giúp ta từng bước trưởng thành qua sự học hỏi và chỉ dạy tận tình.
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nếu các em còn trẻ mà không chịu học hành thì tương lai về sau này, khó mà thành đạt trong cuộc sống vì người dốt làm sao có đủ khả năng làm việc lợi ích nhiều cho xã hội.
Thực tế đã cho chúng ta thấy người có học vẫn hơn kẻ ít học, nhưng học phải đi đôi với hành mới là kim chỉ nam để làm tư lương cho mọi người tiến bước trên trường đời tri thức và tạo dựng sự nghiệp thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Học mà không hành giống như người bụng đói mà chỉ ăn bánh vẽ, cho nên học thì phải hành, học với hành như đôi cánh chim của con phượng hoàng, học mà không hành thì việc học trở nên vô ích, vì không biết bơi làm sao cứu người chết đuối.
Hành mà không học thì việc làm khó có được kết quả tốt đẹp trọn vẹn.
Người thế gian còn biết quý trọng việc học phải đi đôi với hành, nhưng chúng ta phải nhớ rằng kiến thức thì sinh lòng tham nên người có nhiều học thức mà không biết tu tâm thì sẽ làm tổn hại rất nhiều cho nhân loại, còn người thiếu học nếu có làm ác cũng không thể hại được nhiều người.
Chính người có nhiều kiến thức mà không biết tu tâm thì nguy hiểm cho nhân loại vô cùng, vì kiến thức sinh lòng tham, mà khi tham thì con người tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt, vơ vét về cho riêng mình, chiếm không được thì sinh ra oán giận thù hằn rồi tìm cách trả thù, do đó chiến tranh ở thế giới loài người không bao giờ thôi dứt.
Bản thân chúng tôi là một bài học thiết thực trong cuộc đời vì chỉ biết sử dụng tình thức quá nhiều, nên sống vô lương tâm mà hại người, hại vật. Ngày nay được đầy đủ phúc duyên xuất gia học đạo, nhớ lại quá khứ tội lỗi của mình mà cảm thấy hổ thẹn vô cùng.
Chúng tôi nhờ ơn giáo dưỡng của thầy Tổ chư huynh đệ thiện hữu tri thức mà từng bước có thể soi sáng lại chính mình, nhờ tu học và lao động. Tuy nhiên hiểu biết thì dễ, nhưng thực hành được quả là một điều rất khó.
Do đó, bản thân chúng tôi tự đặt ra hai câu đối để làm niềm tin trong cuộc sống, mà cố gắng kiên trì bền bỉ nhằm cảnh tỉnh chính mình, luôn ý thức quyết tâm giữ vững việc học và tu cho được hài hòa tốt đẹp. Cho nên,
“Học mở rộng tầm nhìn kiến thức
Tu sửa tâm ngày một sáng trong.”
Học là quá trình rèn luyện vất vả nhất của chính mình, vậy mà tôi đã bỏ qua hơn nửa đời người để rồi lao đầu vào các đam mê thấp hèn. Đa số mọi người được thành tài cũng nhờ siêng năng chăm học, cho nên đã làm người mà thất học thiếu học thì khó mà vươn lên đạt được thành tựu tốt đẹp trong cuộc sống.
Cái gì vất vả khó khăn mới có được, chính cái đó mới giúp cho ta thành tựu và trưởng thành lâu dài. Ngày xưa, để được công thành danh toại các sĩ tử phải lao tâm nhọc trí biết bao năm đèn sách, miệt mài ngày đêm thậm chí đến cả quên ăn quên ngủ, mới có thể đạt được như ý muốn.
Học là chuyện của một đời người, còn sống, còn ăn, còn uống, là còn phải học, vì biển học mênh mông vô cùng tận. Chúng ta vào đời mà thiếu học, thiếu hành, nếu có giỏi lắm chỉ làm các việc cỏn con, do đó ai muốn tiến thân trên trường đời tri thức thì cần phải học và chỉ khi nào ta nhắm mắt xuôi tay thì thôi.
Đối với người thế gian việc học cần thiết và quý báu như vậy, nhưng chúng ta là người con Phật thì phải tiến thêm một bước nữa, học mà không tu giống như đãy đựng sách và tu mà không học thì coi như tu mù.
Đó là câu châm ngôn của ông Tổ Phật học thời cận đại đã răn nhắc chúng ta và sư ông chúng tôi cũng đã từng nói, lao động như ăn cơm, học như uống nước, tu như hơi thở.
Chúng tôi là kẻ hậu học về sau, vâng lời dạy của Phật cùng chư vị Tổ sư, các bậc hiền Thánh đi trước, đã chỉ cho chúng ta thấy sự lợi ích của việc học và tu phải song hành. Bởi vì sao?
Người nhiều kiến thức thì sinh lòng tham đắm mê muội vì chấp trước sự hiểu biết của mình, do đó cần phải tu để phát sinh trí tuệ, người có trí tuệ thì mới chuyển hóa được tham lam, sân hận, si mê.
Nhờ có trí tuệ chúng ta thấy biết đúng như thật, nên dễ dàng buông xả tâm hại người, hại vật. Chúng tôi đang từng bước cố gắng để làm sao thực hiện việc học và tu cho được vuông tròn tốt đẹp, xứng đáng là người con Phật.
Thật ra kiến thức không thể thiếu trong đời sống con người, nhưng nếu chúng ta không biết mở rộng lòng mình bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì ta khó có thể hoàn thiện chính mình.
Chúng ta biết quay lại chính mình để lắng nghe những điều kỳ diệu từ trái tim có hiểu biết và yêu thương, nhờ thế ta có thể trải lòng đến với nhân loại mà không phải toan tính suy nghĩ hay bận tâm lo lắng.
Kiến thức là những gì có được nhờ học hỏi qua sách vỡ hoặc qua lời dạy của thầy cô, nhưng học còn phải đi đôi với hành để thành tựu các việc làm trong thế gian. Còn chúng ta là người con Phật, luôn có một trái tim hiểu biết và yêu thương hay soi sáng muôn loài muôn vật nhờ học và tu song hành.
Ngày xưa khi mới vào chùa chúng tôi cứ nghĩ rằng người xuất gia không được yêu. Thực tế người xuất gia là người có tình yêu thương chân chính, cao quý và bao la không bờ bến.
Bởi nếu không yêu thương tất cả chúng sinh, thì làm sao người xuất gia dám hy sinh hạnh phúc của riêng mình, để chan hòa tình yêu thương với muôn loài, mà được xây dựng từ trái tim có hiểu biết, trái tim biết lắng nghe, trái tim biết vị tha, trái tim biết cảm thông và tha thứ, trái tim biết bao dung và độ lượng.
Một chút tâm tình cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa, nếu ai có duyên lành với chúng tôi, xin hãy cùng nhau đồng hành, cùng nhau dìu dắt, cùng nhau yêu thương, để chúng ta cùng nhau tiến bước trên con đường an vui hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát, mà chúng ta đã tự bỏ quên từ thuở nào.
Phong Trần Trúc Giác