Trong kho tàng ca dao tục ngữ của dân tộc, ta thấy rất nhiều câu về tinh thần biết ơn như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông cha ta lại quan tâm răn dạy con cháu đạo nghĩa biết ơn, nhớ ơn. Đây thực sự là đức tính cần có của mỗi con người.

Vậy chúng ta nên hiểu về lòng biết ơn thế nào cho đúng? Đừng nghĩ đây là thái độ sống quá đỗi cao cả hay lớn lao! Hiểu theo cách đơn giản nhất, lòng biết ơn chính là sự ghi nhận, đền đáp và là biểu hiện tích cực đối với những người từng giúp đỡ, bảo vệ mình. Những hành động của họ đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình. Và cũng chính bởi tấm lòng ấy, ta đủ mạnh mẽ, tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc đời. Đức tính tốt đẹp này là sợi chỉ đỏ tuyệt vời gắn kết tâm hồn con người.

Có rất nhiều cách để “người ăn quả” thể hiện lòng biết ơn với “người trồng cây”. Nó có thể bắt nguồn từ những việc đơn giản nhất: Nghe lời, kính hiếu với ông bà cha mẹ để tri ân công lao dưỡng dục; Tiếp thu, kính trọng thầy cô giáo để đền đáp ơn dạy bảo, truyền đạt tri thức; Thờ cúng ông bà tổ tiên, ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh hay như biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Làm như vậy là ta đã thể hiện thái độ chân thành nhất với những con người đã nhiệt thành giúp đỡ ta.

Có thật nhiều những câu chuyện cuộc sống quanh dạy ta thêm về nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa. Lời căn dặn của Bác năm nào về việc quan tâm đến các gia đình thương binh liệt sĩ vẫn vang vọng bên tai ta: “Máu đào của các thương binh liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Đó là những người quyết hy sinh tính mạng họ để giữ gìn tính mệnh của đồng bào, họ hy sinh cả gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Vì vậy, tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng.” Các hoạt động tích cực theo lời Bác vẫn lan tỏa trong cộng đồng, thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Vượt ra ngoài lằn ranh biên giới là chuyện của phó chủ tịch Microsoft: Stevens. Ông từng thất nghiệp, đi phỏng vấn rất nhiều nơi. Tại một công ty phần mềm, dù bị loại nhưng ông vẫn viết thư cảm ơn vì cho rằng bản thân đã học hỏi được nhiều thứ. Cuối cùng, ông đã được nhận vào làm và sau 12 năm, ông trở thành phó chủ tịch của Microsoft. Lại có anh chàng sinh viên Thái Lan đã gây bão trên mạng xã hội khi bày tỏ lòng biết ơn của mình với người bố là nhân viên dọn vệ sinh. Anh ta đến nơi bố làm việc, quỳ rạp xuống đường, ngay phía trước chiếc xe chở rác thải bẩn. Nếu không có chiếc xe bẩn ấy, người bố chịu làm công việc ấy thì anh đã không thể hiện thực hóa ước mơ vào đại học của mình. Đó chính là tấm lòng thơm thảo đại diện cho muôn vạn người đang ngày đêm cố gắng, hướng về những người đã luôn ủng hộ, hỗ trợ ta trong cuộc sống. Chắc hẳn rằng ai cũng có một cội nguồn để nhớ về, để nâng niu và trân trọng.

Lòng biết ơn vẫn luôn là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của mỗi con người. Hơn thế nữa, nó còn có thể kết người với người, tạo mối quan hệ bền vững. Lòng biết ơn cũng nhắc nhở con người về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và xã hội. Một xã hội đẹp, lí tưởng là khi con người luôn tôn trọng nhau, ý thức được vị trí của mình trong cuộc sống.

Kinh nghiệm và hướng dẫn tham quan viếng lăng Bác chi tiết 2020

Để gìn giữ và phát huy thái độ sống cao cả này, tự bản thân chúng ta cần trân trọng, ghi nhận những điều mình được người khác giúp đỡ; Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác hay báo ơn khi bản thân có thể. Đồng thời, cần tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương: dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, tìm hiểu công lao chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huệ Minh tổng hợp