Anh chăm chú theo dõi tin tức trên màn hình tivi liên quan đến câu chuyện của những hiệp sĩ đường phố giúp người hoạn nạn dẫn đến bị bọn người xấu hại chết mà sững sờ cả người. Thấy vậy, con gái lên 7 tuổi nhìn anh bằng ánh mắt tò mò: “Ba ơi, hiệp sĩ là người thế nào ạ?”.
Anh dừng lại, nhìn con rồi trả lời: “Hiệp sĩ là người có sức mạnh và tấm lòng hào hiệp. Họ luôn bênh vực người yếu thế. Họ luôn có mặt kịp thời để cứu giúp những người gặp hoạn nạn con ạ”. Cô con gái gật đầu, ra điều đã hiểu. Trông vẻ ngây thơ của con, anh liền kể cho con nghe những câu chuyện, những tấm gương cụ thể, giúp con hiểu hơn về sức mạnh của lòng dũng cảm trong cuộc sống.
Ảnh minh họa |
Lòng dũng cảm được hiểu là ý chí, nghị lực; là sức mạnh, kiên cường, vượt lên mọi gian nan thử thách, hiểm nguy, kể cả cám dỗ để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Dù chúng ta là ai, chúng ta ở đâu, chúng ta làm bất cứ việc gì,… thì lòng dũng cảm vẫn luôn là một trong những đức tính cần thiết và đáng trân quý. Nó trở thành một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là thước đo nhân cách mỗi con người. Chẳng phải tự nhiên mà sinh thời, Bác Hồ trong lời căn dặn thế hệ măng non của đất nước 5 điều nằm lòng cần ghi nhớ rèn luyện, trong đó có lòng dũng cảm. Theo Bác, có lòng dũng cảm, thế hệ trẻ mới sống tốt, mới yêu nước và mới quyết tâm giữ gìn, bảo vệ đất nước. Có thể nói, dù ở hoàn cảnh và thời đại nào, lòng dũng cảm cũng có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội.
Trong thời chiến, lòng dũng cảm là yêu nước, là sẵn sàng đối mặt với kẻ thù, với khó khăn gian khổ, hy sinh. Trong cuộc sống hiện nay, lòng dũng cảm lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đó có thể là một công dân bình thường nhưng dám vạch trần những sai trái của người khác. Đó là những chiến sĩ Công an dũng cảm bắt tội phạm để giữ gìn sự bình yên cho xã hội. Đó là cậu bé, là cô bé, là ông lão xả thân cứu bạn, cứu người giữa dòng nước xiết. Là những hiệp sĩ đường phố, những con người lấy việc trượng nghĩa giúp đời.
Lòng dũng cảm không đơn thuần là chiến thắng được người khác. Người ta nói, chiến thắng bản thân mình mới là chiến thắng có ý nghĩa nhất. Điều đó đồng nghĩa, dũng cảm chiến thắng được chính bản thân mình còn khó khăn hơn rất nhiều. Lòng dũng cảm cũng không phải là hành động liều lĩnh, trái với công lý, đạo đức. Bởi thế, anh nói thêm với con, muốn có lòng dũng cảm, trước hết phải có sự hiểu biết đầy đủ và nắm được những kỹ năng cần thiết. Lòng dũng cảm được hình thành thông qua quá trình tu dưỡng, học tập, lao động lâu dài của mỗi người. Có được lòng dũng cảm, con người ta sẽ tạo dựng nên được những điều tốt đẹp cho bản thân cũng như cho xã hội.
Làm nghề dạy học, ngoài những kiến thức hàn lâm, lý thuyết có trong sách vở, những điều anh truyền thụ cho học trò còn là những phẩm chất đáng quý cần có, trong đó không thể thiếu lòng dũng cảm. Anh dạy trò biết nói câu “cảm ơn”, “xin lỗi”, vì đây là khởi nguồn cho lòng dũng cảm ở mỗi người. Anh dạy các em biết nhận ra con người thật của chính mình để sống có bản lĩnh hơn…
Nãy giờ nghe anh nói, con bé có vẻ hiểu nhiều hơn. Chờ anh dừng lại sau câu chuyện, nó hồ hởi: “Ba ơi, vậy hôm qua, ba chạy ra giữa trời mưa để đỡ bà cụ đi đường bị ngã cũng là một hành động dũng cảm phải không ạ? Rồi hồi sáng, con bị điểm thấp môn Toán vì không chịu học bài, con đã xin lỗi cô, xin lỗi ba mẹ, con cũng dũng cảm ba nhỉ?”. Xoa đầu con gái, anh gật đầu nhìn con bằng cái nhìn trìu mến.
–Sưu tầm–