Đã 712 năm kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) viên tịch, nhưng con dân đất Việt vẫn luôn tưởng nhớ đến ngài. Người ta có thể nói đến “chất vua” trong một đấng minh quân tài đức vẹn toàn, hay nói về “chất Phật” của một nhà tu khổ hạnh, một bậc Sơ tổ phước trí rạng ngời.
Trước đó ngót ngàn năm, từ thời Sĩ Nhiếp (137 – 226), trong bầu không khí huyền thoại ban sơ của Phật giáo Việt Nam, nước ta đã từng xuất hiện một vị Phật mẫu Man Nương – người sinh ra Tứ Pháp Phật: Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp). Tứ Pháp là biểu hiện sinh động của cuộc “hôn phối” giữa văn hóa Ấn Độ, mà Phật giáo là đại diện tiêu biểu, và văn hóa dân gian Việt Nam. Sự dung hòa đó đã tạo nên nét đặc thù của người Việt, vừa kính Phật, vừa trọng thần – thần có trong Phật mà Phật cũng có trong thần, qua hình ảnh của Mây – Mưa – Sấm – Chớp, với ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Bản hạnh của Tứ pháp Phật rõ ràng mang đậm màu sắc huyền thoại, phù hợp với nhu cầu của một dân tộc chăm chỉ với ruộng đồng, sống hòa vào thiên nhiên. Nên gần ngàn năm sau, khi Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi, dân tộc Việt Nam cần một “vị Phật” đúng với tinh thần Phật giáo hơn, do vậy nước Nam đã xuất hiện một Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy vẫn một bình bát, một gậy trúc, nhưng Đức Phật hoàng lại không bay trên bầu trời hay đi trong lòng đất, nắm bắt trời trăng, phi thân tán thể… Đầu trần chân đất, y quấn hở vai, quyền năng hay sức mạnh của ngài không đến từ thần thông linh dị, gọi gió hô mưa, mà đến từ sự từ bỏ, một sự từ bỏ vĩ đại.
Thử tự đặt mình vào cương vị của đức vua Trần Nhân Tông, và xa hơn nữa, Thái tử Tất-đạt-đa, chúng ta thấy, khó có lý do nào để một người phải từ bỏ cung vàng điện ngọc, hướng đến đời sống khổ hạnh, vô ngã, vô sản, vì thương yêu tất thảy chúng sanh.
Bởi về mặt lý thuyết, các vị vẫn có thể vừa nắm giữ ngai vàng, vừa có thể thương yêu chúng sinh. Thậm chí, trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực, các vị có nhiều cơ hội hơn để đem đến cho chúng dân sự an ổn, thịnh vượng.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết, bởi trên thực tế, lắm người đã tự cột mình vào chiếc ghế, bị vầng sáng của quyền lực làm lóa mắt, bất chấp tất cả để giữ cái ngai của mình. Cái ngai, hay cái ghế ấy, không phải là bánh vẽ, không là những ý niệm trừu tượng để có thể nói bỏ là bỏ; nó chính là tất cả. Từ bỏ ngôi cao, người ta thấy bản thân không còn gì nữa, ngoài tấm thân trần trụi, không bổng lộc và chẳng còn sự cung kính. Người ta trở nên khiếp nhược!
Trong sự khiếp nhược ấy, làm sao họ có thể cảm nhận được cái đẹp sơ nguyên của vạn vật, như đức vua Trần Nhân Tông từng thấy: “Muôn việc nước theo nước/ Trăm năm lòng bảo lòng/ Tựa hiên nâng sáo ngọc/ Ngực áo đầy trăng trong” (Lên núi Bảo Đài). Chỉ có những ai thấy được Duyên khởi – tức thấy Phật – mới có được cái tâm vô sở trước, “đối cảnh vô tâm”, mới có được sức mạnh không-sợ-hãi, kết tinh từ phước đức – trí tuệ, để “một lần nêu ra, một lần mới”, và có thể vì người quên mình.
Được như vậy, đấng quân vương mới có thể từ bỏ ngôi cao quyền lực để thực hành hạnh đầu đà. Vì rằng, ngôi cao dẫu quý, nhưng làm sao có thể sánh với tuệ giác giải thoát!
Đăng Tâm/ Báo Giác Ngộ