Tất cả lời giảng dạy của đức Phật được gọi là “chánh pháp”. Chúng ta tu tập cốt yếu nương vào sự chỉ dẫn của ngài để sống chơn chánh. Sau đây là lời tiêu biểu của 7 vị Phật từ thời đức Phật Tỳ Bà Thi cho đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni được trích trong giới kinh.
1. Đức Phật Tỳ Bà Thi dạy: Bền chịu với các sự nhẫn nhục ấy là giới hạnh đầu tiên mà chư Phật hằng khuyên ta, kẻ đã xuất gia bỏ thế mà còn phiền giận thật không đáng với tiếng người tu.
2. Đức Phật Thi Khí dạy: Người ta có ánh mắt lanh, bao giờ cũng vượt qua khỏi hố sâu thẳm, cũng như thế, bậc Phật thánh thoát khỏi các nạn khổ.
3. Đức Phật Tỳ Xá Phù dạy: Tránh nói hành và tật đố, giữ giới hạnh, vừa lòng với sự đủ dùng về đồ ăn uống, bao giờ cũng thỏa thích trong tịnh thất thanh vắng của mình, bền chí về bổn nguyện và cố tiến thủ, ấy là các lý cốt yếu mà chư Phật đã ban truyền.
4. Đức Phật Câu Lưu Tôn dạy: Quanh quẩn bên hoa, con ong chỉ lấy mật trong hoa mà thôi, chớ không phá màu hoa và mùi hoa, cũng như thế, chư Tỳ kheo ở chung với giáo hội chớ nên làm nặng lòng ai hết, chớ xem coi họ có làm hoặc không làm mà phải lo lấy mình, xét coi đạo hạnh của mình có vẹn toàn hay không.
5. Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni dạy: Chớ để cái tâm lạc bậy, hãy siêng học các giới luật của Phật thánh, như vậy người ta sẽ xa lánh mọi sự buồn và tấn tới niết bàn.
6. Đức Phật Ca Diếp dạy: Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, các sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn, chư Phật đều dạy như vậy.
7. Đức Phật thích Ca Mâu Ni dạy: Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy, giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của chư Phật.
Qua những lời dạy trên đều hướng chúng ta tu tập đến con đường thanh tịnh. Muốn được thế đòi hỏi mỗi người cần siêng năng sống và thực hành theo chánh pháp, ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo đức Phật đã ân cần, lân mẫn khuyên nhủ như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành. Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua vô ích và sau này sẽ phải hối hận”.
“Nỗ lực thực hành”, “tinh tấn tu tập” theo đúng chánh pháp, nghĩa là dứt ác, làm thiện, mang an lạc đến mọi loài và giữ tâm ý trong sạch không vướng mắc, không chấp trước. Xem chánh pháp là phương tiện như chiếc bè đưa chúng ta từ bờ mê đến bến giác, chuyển hóa đau khổ trở thành hạnh phúc. Trong kinh Trung Bộ đức Phật có dạy: “Những gì ta giảng cho các ngươi ví như chiếc bè dùng để vượt qua sông, không phải để nắm lấy. Hãy nghe và khéo tác ý,…các ngươi cần phải hiểu ví dụ chiếc bè….chánh pháp còn phải bỏ huống nữa là phi pháp”.
Tất cả giáo pháp được ví như cách thức chế biến thức ăn. Muốn được nó phải làm ra thức ăn và được thực sự ăn chứ chỉ thuộc suông lý thuyết thì làm sao no được. An lạc hay lo buồn, mê mờ hay sáng suốt là do chính nơi bản thân mình có vâng giữ chánh pháp hay không? Tùy thuộc hoàn toàn vào hành động của chính mình. “Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa vào một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một ai khác”. (Kinh Tương Ưng Bộ tập 1)
Muốn nương tựa vào chánh pháp, mỗi người cần nhận hiểu giáo pháp đúng đắn thì mới tu tập có kết quả, khiến pháp Phật thường chuyển rạng ngời ở thế gian… văng vẳng bên tai lời nhiệm mầu vọng lại từ ngàn xưa. “Đời vô thường! Hãy làm chính mình tinh tấn lên để giải thoát”.
Bài viết: “Suy ngẫm lời Phật dạy”
Tâm Thăng/