Tin chính trong ta có Phật. Nếu ta chưa tin trong ta có Phật mà hướng lên cao lạy lục xin xỏ thì ấy là hướng ngoại tìm cầu. Đạo Phật mang ý nghĩa của một tôn giáo cũng chính bởi những người như vậy. Cần phải phá bức tường kiếp trước kiếp sau. Nếu khư khư giữ mỗi kiếp này thì chúng ta nhìn đời dường như bất công.
Đâu hay cuộc đời này nếu không gặp Phật pháp thì thảy đều vô nghĩa!!!.
Phật luôn nhắc nhở phải tin ở chính mình. Phải tin, chính mình là Phật chưa thành và sẽ thành.
Tin Phật trong mình là sự thật. Nhẹ nhàng với mọi thứ, không tham đắm không dính mắc, tập bớt nóng giận chấp trước phiền não, tập yêu thương mọi người và loài vật, tâm Phật mới có cơ hội lóe sáng.
Tin chính trong ta có Phật. Nếu ta chưa tin trong ta có Phật mà hướng lên cao lạy lục xin xỏ thì ấy là hướng ngoại tìm cầu. Cần phải phá bức tường kiếp trước kiếp sau.
Nếu khư khư giữ mỗi kiếp này thì chúng ta nhìn đời dường như bất công. Nhân quả ba đời không hẳn từ ông đến cháu, mà có khi ta gieo phước đời này mãi đến ba kiếp, có khi hàng chục hàng trăm kiếp sau mới nhận được ơn báo.
Bậc cao tăng đại đức Chin Kung (Tịnh Không), người giảng pháp hơn 60 năm không ngừng nghỉ, lúc giảng kinh Địa Tạng có nêu tiêu chuẩn được thân người kiếp sau trước hết phải dựa vào phước thứ nhất trong Tam phước nêu trong Quán kinh: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu Thập thiện nghiệp”.
Nhìn lại chặng đường Hoằng Pháp Của Đại Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Nếu không làm được thì phước lớn đến mấy có ở đời này chỉ hưởng trong Tam ác đạo ở kiếp sau. Hòa thượng còn nhắc lại: Nếu tu theo thập thiện đạt 80%, kiếp sau mới có được thân người.
Như vậy chỉ còn một giới không uống rượu, còn lại Thập thiện đã bao hàm Ngũ giới. Nếu chúng ta không thực hiện được 80% Thập thiện, nguy cơ lọt vào Tam ác đạo quá lớn. Nên phải chuyên nhất hành theo lời Phật dạy.
Trong Tam giới có Tam thiện đạo và Tam ác đạo. Chúng sanh trong Tam thiện đạo có ba hạng: thiên, nhân và loài phi thiên nhân. Nếu ai sống trong đời này phước báo lớn lắm mới lên được cõi trời.
Còn cứ đứng ngoài khuôn khổ của Thập thiện, dẫu phước lớn, chết rồi cũng dễ đầu thai làm súc sinh, ngạ quỷ hoặc chịu khổ hình luân phiên ở ba đường ác… Không tin nhân – quả không có nghĩa người ấy không thọ quả báo do gieo thập ác.
Phật luôn dạy hãy biết đứng về phía thiện cứu người, một lòng cống hiến làm lợi Chánh pháp.
Nhân duyên nghiệp báo quay vòng. Biết người do tác nghiệp lãnh nạn vẫn không phớt lờ mà tiên phong giúp đỡ – ấy là Bồ-đề tâm.
Là Bồ-tát “đầu thai” xuống trần gian hóa độ, thì họ cũng với nghị lực phi thường, nhẫn đến những điều người đời không thể nhẫn, khổ đến những điều khó ai vượt qua.
Đó là “niềm cảm hứng” cho đời sau soi mình mà tinh tấn hành pháp, gỡ khỏi xác thân thô uế mọi danh văn lợi dưỡng. Cái tồn tại vĩnh viễn hết đời này qua đời khác sao ta không màng tới lại chăm sóc cái tạm bợ?
Không bám vào Thập thiện tức ta không chịu uống thuốc đắng dã tật, ai uống thay ta cũng đâu lành bệnh mà nguyện với cầu viển vông. Phật muốn chúng sanh phải tự ngộ, tự học tự hành, tự khám phá linh tâm, tất cả đức tướng Như Lai sẵn có trong ấy. Ngài Huệ Năng lúc chứng ngộ đã reo lên: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”; thật khế hợp với kinh điển.
“Phật do tâm sanh, tâm tùy Phật hiện, tâm ngoại vô cảnh, toàn Phật thị tâm”. Cứ hướng ngoại tìm cầu chẳng khác khom lưng sửa bóng mình.
Phải hành Thập thiện đạt trên 80%, tức tâm sáng trưng như viên ngọc không tì vết mới có thể sửa người. Sửa mình, người tự khắc sẽ tốt. Sửa tâm đến cả những con sóng ngầm ý nghiệp cũng biết gục đầu sám hối thì Phật nào chẳng muốn xoa đầu thọ ký.
Ta cõng nghiệp từ muôn kiếp, muốn tiêu trừ không gì hơn niệm Phật lạy Phật. Một người hy sinh lợi ích của mình cho kẻ khác, có đáng cúi lạy?; còn Phật cứu khổ muôn loài trong Tam giới lẽ nào không xứng để ta lễ lạy suốt đời.
Cúi mình lễ Phật, cái ngã, cái tham sân và si trong ta ắt nhẹ bớt. Thanh sạch lạy Phật niệm Phật; đêm nằm dứt hẳn mọi sự, quyết nắm một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” trôi vào giấc ngủ kỳ thôi, sáng mở mắt đã nhớ đến Phật.
Nếu từ đêm qua ngày, từ ngày sang đêm ta không tịnh niệm tương kế, lúc gặp ma chướng sẽ không còn nhớ Phật là ai. Tu để có được một cái chết thảnh thơi an lạc, cao hơn là được chúng Thánh và Phật hiện thân tiếp dẫn chính là bảo vệ thành công mỹ mãn luận án cuộc đời.
Chỉ từ một đến mười niệm lúc lâm chung, song có được phước báo vô lượng đó đòi hỏi phải trì niệm hồng danh và hành Thập thiện suốt đời không buông lung.
Phải tập đến mức tự niệm, không khởi ý niệm Phật mà trong tâm cứ vang lên “A Di Đà Phật”, nhỡ có thình lình tận số cũng là thời khắc của Cực lạc bắt đầu, kiếp này thật không uổng.
Nam Mô A Di Đà Phật
Huệ Minh TH