Trong cuộc đời, không ít lần chúng ta tự hỏi: Ý nghĩa của đời sống là gì? Mình sinh ra để làm gì? Việc mình có mặt trên đời này chỉ là sự ngẫu nhiên gặp gỡ của hai người khác giới có hứng thú với nhau trong chốc lát, hay là sự chọn lựa của những cam kết lâu dài của ai đó và mình là một phần trong những cam kết đó?

Những câu hỏi như vậy có thể gợi lên cảm hứng để tìm câu trả lời, đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, hoặc chúng cũng có thể dẫn đến trầm cảm vì không có câu trả lời thỏa đáng.

Từ xa xưa, khoa học tử vi cũng đã cố gắng tìm câu trả lời cho mỗi người dựa trên ngày tháng năm và giờ khắc mà người đó ra đời. Các tôn giáo và chủ thuyết khác nhau cũng đã cố tìm câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi quan trọng này.

Vâng, đời sống không chỉ có ăn, ngủ, làm việc và các hoạt động thể chất. Con người là một chúng sinh biết suy nghĩ, và những suy nghĩ đó không chỉ để phục vụ mục đích sinh tồn mà thôi. Mỗi người, từ khi biết nhận thức, sẽ chọn cho mình một mục đích để sống, làm việc, hưởng thụ và cống hiến – tùy theo khả năng, thường bị ảnh hưởng bởi những điều kiện sống trong môi trường nào đó, và do sự tiếp xúc mà sinh ra cảm hứng để chọn lựa đi theo tiếng gọi của đam mê hay làm theo tập tục – truyền thống – lề thói và những định kiến xã hội nơi mình sinh ra, trưởng thành.

Triết học Phật giáo cho thấy con người (và những động vật khác) sinh ra do nghiệp (kamma), có chủng thức kết nối theo mô thức nhân và quả, duyên để hình thành một đời sống trong vòng tương tục, biến hiện và thay đổi không ngừng trong mối liên hệ và tương tác với môi trường sống hay thế giới nơi người đó sinh vào, chịu nhận những quy định và bị điều kiện hóa trong đó.

Trong vòng Thập nhị nhân duyên (paticca sammuppada), tiến trình này được bắt đầu từ vô minh khiến cho chúng sinh tạo tác; những tạo tác đó kết thành thức, thức này biểu hiện thành danh và sắc. Hai thể trạng này tiếp tục tương tác với thế giới qua các giác quan, mối tương tác đó được gọi là lục nhập, sự gặp gỡ này mà có ý thức thì gọi là xúc; sự tiếp xúc tạo ra cảm giác gọi là thọ. Kinh nghiệm trực tiếp và chủ quan này tạo ra phản ứng ưa-ghét gọi là ái, cái làm duyên cho sự nắm bắt, chấp thủ – làm thành chất liệu để trở thành (hữu). Từ đây lại sinh ra, già đi, bệnh tật, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy cả một đống khổ (dukkhakkhandhassa) được hình thành, tập khởi.

Đời sống nhìn từ góc này rất thực tế, tránh được hai cực đoan là chấp có và chấp không của thường kiến và đoạn kiến. Trung đạo hay cái nhìn trung dung này không có vẻ gì là lãng mạn theo kiểu con người sinh ra từ tình yêu hay từ trí tuệ gì đó! (Theo kiểu Adam gặp Eva, ăn trái cấm từ cây trí tuệ trên thiên đường). Do bị dẫn dắt bởi vô minh (không sáng suốt) và bị trói buộc bởi ái dục (khát khao được thỏa mãn & yêu thương) nên chúng sinh đã trở thành (bhava) như thế này hay như thế kia.

“Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức (hay tư tưởng – cetana) được an lập, khởi điểm được an lập trong giới thấp kém (hay trong cảnh giới vi diệu hơn – rūpa, hay trong cảnh vô sắc – arūpa, tùy theo mong cầu và các hành nghiệp dẫn đến đó). Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, trở thành (bhava) có mặt”. (Kinh Tăng chi bộ, An.viii, 77)

Đã trở thành rồi thì ắt có sinh. Đã sinh ra rồi thì theo tiến trình tự nhiên trải qua các giai đoạn khác nhau của đời sống. Trong vòng một trăm năm, đời người có thể tạm chia ra 10 giai đoạn:

– Từ 1 đến 10 tuổi: ấu thơ.
– Từ 11 đến 20 tuổi: thiếu niên, vô tư chơi đùa và học tập.
– Từ 21 đến 30 tuổi: thanh niên, đẹp và sung sức nhất trong đời.
– Từ 31 đến 40 tuổi: khỏe mạnh, lo sự nghiệp – gia đình.
– Từ 41 đến 50 tuổi: hiểu biết chín muồi và sống có trí tuệ.
– Từ 51 đến 60 tuổi: giai đoạn đi xuống của thể lực cũng như khả năng nhận thức.
– Từ 61 đến 70 tuổi: còng xuống.
– Từ 71 đến 80 tuổi: còng rập xuống, già nua.
– Từ 81 đến 90 tuổi: quên lãng, trở lại như đứa trẻ.
– Từ 91 đến 100 tuổi: nằm là chính, quá già nua để làm bất cứ việc gì.

Vậy đó, trong vòng 100 năm này lại tạo ra những nghiệp khác nhau do vô minh duyên hành. Các tương tác có điều kiện đó được thức ghi nhận, mã hóa (encoding) để làm hành trang cho kiếp sống mới. Vòng sinh tử luân hồi (samsara) vô thủy vô chung, rối beng như cuộn chỉ vò, không biết đâu là đầu, đâu là cuối, và phải gỡ ra sao. Hành trình gỡ rối này chính là tu tập (bhāvanā) – phát triển tâm, khai sáng nhận thức, và điều chỉnh hành vi để ngày càng tiến hóa hơn, bớt tạo nghiệp, bớt nô lệ cho sân si và tham đắm.

Quay đầu là bờ: không vô minh không hành; không hành thời không thức, vv… như vậy là sự kết thúc toàn bộ tiến trình mệt mỏi vô vọng này. Thập nhị nhân duyên diệt có thể bắt đầu từ bất cứ mắt xích nào khi có trí tuệ soi sáng thực tại để nó không rối rắm như cuộn chỉ vò. Gỡ rối ở ngay cái đang là – đó chính là tu. Trí tuệ thay thế vô minh, và tình thương thay thế ái dục thì sinh tử luân hồi, ân oán vay trả tự nhiên chấm dứt.

TKN. Pháp Hỷ-Dhammananda