Theo như Đạo Phật, con người hay chúng sinh trong cõi Ta-Bà này (cũng chỉ là một cõi trong sáu cõi của vòng Luân hồi nơi tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) như tất cả chúng sinh khác đều phải xoay vần, nếu tự mình không đi theo con đường “Đạo” để vượt ra được! Mặc dù ở cõi này có nhiều đau khổ hơn là sướng vui, nhưng trong sáu cõi Luân hồi chỉ có cõi này mới có Phật pháp mà thôi.
Nếu chúng ta nhìn một tu sĩ Phật giáo đi trên con đường dài hun hút với tấm áo vàng, một bình bát, đầu trần, chân đất thì đó là hình dáng của Đạo Phật trên con đường cứu độ, hoằng hóa chánh pháp đối với chúng sinh trong cõi Ta Bà này vậy! Đạo Phật không sợ chê bai, phỉ báng, xuyên tạc vì do tính Chân lý của nó. Ai chấp nhận cũng được, ai dửng dưng cũng được! Và Đạo Phật hiện diện trên cuộc đời chỉ nhằm giúp cho mọi chúng sinh: Đem lại sự nhận thức, hiểu biết về chính con người, cuộc sống mà các chúng sinh ấy đang hòa nhập vào, để từ đó nhận chân được sự thực của Chân lý, rồi tự chọn một con đường tốt cho mình, cho người; hoàn thiện chính mình để tránh được những hậu quả trong tương lai, tức là “dứt được nghiệp” để tiến đến giác ngộ, giải thoát ra ngoài vòng luân hồi sinh tử.
Ngoài việc cung ứng cho thế gian những nhận thức, Đạo Phật còn hướng dẫn những cách hành trì để đạt đến Chân lý tối thượng; Và cũng chỉ với Đạo Phật ta mới giải thích được nhiều hiện tượng khác biệt với từng cá nhân mà không một tôn giáo nào có khả năng để giải thích nỗi về những hiện tượng đó: Người có nhiều phước báu có hình tướng đẹp, thiên tư hơn là người kém phước báu; họ được hưởng cuộc sống sung sướng, giàu có hơn mặc dù được sinh và lớn lên trong cùng một gia đình. Gia đình, dòng họ kém phước báu sẽ gặp nhiều khó khăn, nghèo khổ hơn vì chung cộng nghiệp; và dù chung cộng nghiệp nhưng mỗi con người đều có những biệt nghiệp khác nhau nên từng cá nhân cũng khác nhau, giống như chuỗi di truyền DNA là cộng nghiệp và mỗi cá nhân vẫn có những đặc nét riêng tư. Còn rất nhiều vấn đề tinh tế hơn trong cuộc sống mà chúng ta không thể giải thích được nếu chúng ta không dùng đến giáo lý của nhà Phật.
Theo như Đạo Phật, con người hay chúng sinh trong cõi Ta-Bà này (cũng chỉ là một cõi trong sáu cõi của vòng Luân hồi nơi tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) như tất cả chúng sinh khác đều phải xoay vần, nếu tự mình không đi theo con đường “Đạo” để vượt ra được! Mặc dù ở cõi này có nhiều đau khổ hơn là sướng vui, nhưng trong sáu cõi Luân hồi chỉ có cõi này mới có Phật pháp mà thôi. Vì trong Kinh “Đại Phương Tiện Phật Báo Ân” có ghi như sau:
“Vì Phật Thích Ca Như Lai đã từng ở trong vô lượng trăm nghìn vạn ức A tăng kỳ kiếp, làm những việc hạnh khổ khó làm, phát đại bi nguyện: “Khi tôi được thành Phật, sẽ ở nơi cõi nước tệ ác, núi đồi gò đống, sành sỏi gai góc, chúng sinh ở trong cõi đó, đủ mọi thứ phiền não, ngũ nghịch, thập ác, tôi sẽ tu hành thành Phật ở nơi đó, để làm những việc lợi ích, đoạn trừ tất cả khổ não cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh được tất cả vui, thành tựu pháp thân, hết không còn sót”.
Phân tích theo “Y báo” và “Chánh báo” thì: Vì chúng sinh còn nhiều thứ phiền não, tâm tính còn nhiều điều không được thiện lành (ngũ nghịch, thập ác) nên địa hình của thế giới này trở nên gai góc, đồi núi nhấp nhô, cao thấp chênh lệch nhau, thời tiết biến đổi theo tâm tính của con người. Tuy nhiên, vì hạnh nguyện của Đức Phật Thích Ca nên thế giới này lại có được Phật pháp để chúng sinh trong cõi này tiến tu theo con đường hướng dẫn của Ngài. Do đó, mặc dù làm người ở cõi không được nhiều phước báu như cõi trời, nhưng chúng ta lại được tiếp cận với Phật pháp; mà chúng sinh của cõi trời nếu muốn thành Phật cũng phải tái sinh về cõi này. Đó là điều may mắn mà loài người trên trái đất này đã có được! Như vậy, tại sao chúng ta không quý được thân xác của mình? Có những người vì lý do nào đó: Từ buồn chán, đau khổ cho đến không toại nguyện hay nông nỗi để hủy hoại thân xác, mạng sống; và khiến thần thức họ mãi mang nỗi hận, buồn lòng ấy mà không chịu đi “tái sinh”, và trở thành những con ma hay quỷ không biết đến khi nào họ thoát được kiếp oan hồn ấy. Chính họ đã tự giam cầm họ trong “trạng thái chơi vơi của thân trung ấm” cũng bởi vì vô minh! Nếu họ ý thức được rằng: Thân thể này quý báu vô ngần, nó giống như một chiếc bè mà ta có thể nương chiếc bè ấy để sang sông, và chúng ta cũng cần đến chiếc bè ấy để sang sông, thì sự việc đã khác đi nhiều! Với hạnh nguyện của Đức Phật Thích Ca đã biến cõi người chúng ta từ không phải là nơi đầy phước báu đã trở thành phước báu và quan trọng: Vì làm thân người ở cõi Ta Bà này là khó được “Nhân thân nan đắc” (vì phải trải qua không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới có được thân người ở cõi này), và cõi nhiều đau khổ này bây giờ lại là nơi có “cánh cửa duy nhất” để mình có thể thoát ra khỏi vòng Luân hồi, sinh tử bằng sự tu tập của mình. Điều ấy, khiến chúng ta cần có nhiều suy nghiệm!
Đức Phật từ một con người vương giả nơi hoàng cung với đầy đủ sung sướng về vật chất, có thể về cả về tinh thần (ngoại trừ ưu tư về cuộc sống, tìm đạo); nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để trở thành tu sĩ. Chỉ sau một đêm, một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt chỉ vì Ngài muốn tìm đến Đạo để đáp ứng cho sự mong muốn chính mình. Nhưng sau khi giác ngộ, Ngài đã đem cái giáo pháp mà Ngài chứng ngộ được ấy truyền giảng lại cho nhân thế trong suốt hơn 45 năm ròng rã, mà không mong cầu điều gì ở người nhân thế dù đó là một chức danh hay quyền uy. Cuộc đời của Ngài đã nói lên một tinh thần “Vô vị lợi” tối đa, đúng với “Bố thí Ba-La-Mật” mà Ngài đã truyền thụ lại cho đời sau! Cũng trong cuộc đời này có những con người lâm vào tình huống cùng khổ, đau đớn, mất mọi thứ sau tai nạn hay biến cố gì đó… Nếu họ so sánh tình huống ấy với Đức Phật thì họ có nhiều an ủi; Vì: Họ phải chịu hoàn cảnh do tác nhân bên ngoài đưa đến; nhưng, Đức Phật có tất cả mà Ngài còn bỏ nữa chăng là, thì chúng ta vì tác nhân bên ngoài đưa đến cho nên chẳng có gì để lấy làm buồn! Và hơn nữa, nếu chúng ta hiểu được lý “nhân quả”, gieo nhân từ những kiếp xa xưa bây giờ gặt quả thì chúng ta sẽ có sự an tâm; Vả lại, chẳng có ai đem theo được cái gì sau khi chết! Kể ngay cả những Đấng được xem như là có quyền năng, phép tắc. Được trả quả! Thì chúng ta cũng đã giải quyết xong nợ nần vay mượn từ trong quá khứ, cất được bớt gánh nặng tại sao ta phải buồn? Sự sáng suốt trong tinh thần hiểu đạo khiến cho chúng ta cảm thấy thoải mái và an tâm. Ấy là sự an lạc của chính mình trong hiện tại, được an trú trong niềm vui đó rồi vậy!
Nếu chúng ta là những con người đang được hưởng nhiều phước báu từ “nhân quả” của những kiếp xa xưa như từ trong gia đình giàu có, hình tướng đẹp; hoặc nhờ những khả năng đặc biệt mà có cuộc sống sung sướng, tài chính dư dả mà chúng ta biết chia sẻ đối với những người thiếu thốn, cùng khổ thì trên xã hội chúng ta là những người đang làm việc từ thiện. Nhưng trên bình diện Phật pháp thì chúng ta là những người đang gieo căn lành để tự mình hoàn thiện chính mình và tiến về gần đích hơn trên con đường giác ngộ, tức là chúng ta đang thực hành phẩm hạnh của một vị Bồ Tát!
Nhưng có điều quan trọng hơn nhiều: Nếu chúng ta là những chúng sinh được tái sinh lại trong cuộc đời này để “đi đòi những món nợ” mà người khác đã vay ở những kiếp trước như: Chúng ta đang làm những việc quịt nợ, gây cho người khác đau khổ; làm phận con khiến cha mẹ phải nhức nhối, đau lòng; hoặc làm cho xã hội băng hoại cho bỏ ghét (vì hận thù trong những kiếp xa xưa); mà chúng ta biết chấm dứt ân oán, nợ nần ấy để sống cuộc đời lương thiện trở lại và biết bố thí, giúp đời, chia sẻ buồn vui với cuộc đời trong thực tại thì công đức ấy không thể tính được vì nợ cũ đã chẳng đòi mà lại còn bố thí “cho” nữa, ân đức ấy biết là bao!
Nếu chúng ta xuất hiện trong thế gian này như một người nghèo túng thì chúng ta cũng hãy còn khá hơn hoặc bằng Đức Phật khi Ngài đi tu, bỡi vì khi đi tu Ngài chỉ còn một tấm y để khoát lên mình cùng với một bình bát để đi xin ăn (khất thực) mỗi ngày, mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi! Khi đi xin ăn thì cũng hãy còn người mến người khinh. Ngài chẳng có cái gì khác hơn! Nhận định như vậy chúng ta sẽ bớt khổ hơn nhiều!
Nếu chúng ta cảm thấy mình khổ và cuộc đời này nhiều khổ, vận mệnh mình không may. Thì không phải một mình đã khổ, vì ngay cuộc sống này vốn đã khổ, ai cũng phải trải qua sự khổ mà Đức Phật đã dẫn giải qua “Tập đế”; nhưng nếu chúng ta ý thức được rằng mình chịu nhiều khổ hơn người khác vì những kiếp xa xưa chúng ta thiếu căn lành nên ngày nay phải chịu quả xấu là một lẽ đương nhiên, thì chúng ta cũng đỡ khổ hơn vì chúng ta đã biết được cái nguyên nhân. Hơn nữa, chúng ta khổ nhưng còn nhiều người lại khổ hơn chúng ta thì chúng ta cũng được an ủi phần nào.
Và nếu chúng ta có nhiều bệnh hoạn, hoàn cảnh khó khăn khiến ta có nhiều lo nghĩ, suy tư; những hoàn cảnh oan trái mãi trói buộc thì Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta qua câu “Phiền não thị Bồ Đề”. Có phiền não, lo nghĩ, ưu tư phiền muộn, tâm tư chúng ta mới không để ý đến ngoại cảnh, mà chỉ hướng vào nội tâm thì các giác quan (lục căn) lúc đó không quan tâm, vướng mắc đến bên ngoài (lục trần). Lục căn không vướng mắc với lục trần: Đó là điều mà người tu thiền họ mong cầu, nhưng chưa hẳn họ đạt được dễ dàng. Nương vào đó chúng ta tiến đến với thiền thì thiền sẽ giúp ta giảm bớt được phiền não, căng thẳng thần kinh và nếu có duyên ta có thể ngộ chút nào đó của thiền cũng nên.
Thông thường, con người bình thường sung sướng thì chẳng có mấy ai nghĩ đến tu tập để giải thoát cả, mà người ta chỉ nghĩ đến “tu” khi chúng ta có hoàn cảnh bi đát, nhiều lo nghĩ tức là lâm vào những hoàn cảnh nghèo túng, bệnh hoạn, đau khổ, có nhiều phiền não… mà thôi! Vậy thì trong những hoàn cảnh đó chúng ta cứ trải nghiệm con đường tu tập thử xem sao? Chúng tôi là kẻ viết bài này cũng phải trải qua giai đoạn ấy, và cũng chính nhờ đó mà chúng tôi mới có “duyên” đi vào Đạo Phật; và có được cơ hội để viết lên một ít bài để chia sẻ kinh nghiệm cùng với Quý độc giả.
Nếu chúng ta suy luận xa hơn một chút thì không lẽ con người chúng ta sinh ra trong cõi đời này chỉ để phải làm để kiếm ăn, tạo cuộc sống rồi thụ hưởng trong những chìm đắm của dục lạc với một thân xác đầy bệnh hoạn, đau khổ trong cuộc đời để cuối cùng rồi chúng ta phải chết mà không có đem theo được một thứ gì kể cả thân xác của chúng ta. Vậy chúng ta hiện diện trên cuộc đời này để làm gì? Và có thân xác này để chi? Trong Đạo Phật thân xác này như chiếc bè, chúng ta nương chiếc bè để qua sông, và điều chúng ta cần nhớ và ý thức được rằng: Chỉ “chiếc bè” ở cõi Ta Bà mới có thể qua sông, vậy chúng ta nên làm gì với chiếc bè hiện có này? Muốn giải thoát thì chúng ta “tự thắp đuốc” lên để tiến về “bờ giác”. Đó là ý nghĩa của cuộc sống và thân xác này!
Nói tóm lại, khi chúng ta hiểu được chút ít Phật pháp thì chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trong đời này là những điều đáng yêu, đáng thông cảm, trân quý cũng như chúng ta sẽ được vui vẻ hơn trong sự giải thích những hiện tượng, sự kiện xảy đến; đồng thời chúng ta có thể sẽ “an trú” tâm mình trong những an lạc, niềm vui mà chúng ta không thể mua bằng vật chất mà được. Xin quý vị cứ nghiệm lại thử xem sao!