Đại lễ Phật đản LHQ 2019 sẽ diễn ra từ 12 đến 14/5, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) với đại biểu đến từ 112 quốc gia. Trước thềm ngày lễ trọng đại, cùng ngắm những loạt ảnh đầy màu sắc linh thiêng trong ngày Vesak ở các quốc gia Phật giáo.
Đại lễ Phật đản tại Việt Nam được tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ, thả hoa đăng, phóng sinh nhằm kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật. Năm 2008, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Năm 2014, Việt Nam một lần nữa có vinh dự đăng cai Đại lễ Vesak và được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình.
(Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Nghi lễ tắm Phật – một trong những nghi lễ quan trọng nhất ngày lễ Phật đản tại Việt Nam. (Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Đại lễ Phật đản Vesak tại Ấn Độ được gọi với tên “Buddha Purnima”. Buddha nghĩa là Phật, Purnima nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn. Lễ Vesak/Purnima nguyên thủy được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu. Gần đây, tại Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, ngày Vesak/Purnima chính được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. (Ảnh: Indian Express)
Chùa Mahabodhi ở thành phố Bodh Gaya – nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề đẹp lung linh huyền ảo trong thời gian diễn ra đại lễ Lễ Vesak/Purnima vào năm 2015. (Ảnh: Getty Image)
Vào ngày này, các Phật tử Ấn Độ đi đến Tịnh Xá và ở lại lâu hơn các ngày thường, nghe toàn bộ kinh Phật giáo dài. Họ mặc trang phục thông thường là màu trắng tinh khiết và ăn chay. Trong ảnh là các tăng ni phật tử đọc kinh hành lễ vào ngày Phật đản bên trong chùa Mahabodhi vào năm 2017. (Ảnh: PTI Photo)
Các nhà sư Phật giáo Ấn Độ đi bộ xung quanh một bảo tháp trong ngày lễ Vesak tại Maha Bodhi Society ở Bangalore vào năm 2017. (Ảnh: Getty Image)
Còn ở Nepal, đại lễ Phật đản, thường được biết đến là “Phật Jayanti” (sinh nhật Đức Phật) được tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước, chủ yếu là tại Lumbini (Lâm-tì-ni) – nơi sinh của Đức Phật, và tại chùa Swayambhu – ngôi chùa linh thiêng của Phật giáo, còn được gọi là “Chùa Khỉ”. Trong ảnh là một phật tử đang thành kính thắp nến mừng ngày Đức Phật ra đời. (Ảnh: AP Photo)
Các phật tử Nepal dâng lễ cầu nguyện tại chùa Swayambhu trong lễ Phật đản Purnima tại Kathmandu vào năm 2018. (Ảnh: Getty Image)
Và cầu nguyện tại bảo tháp Chiloncho, Kathmandu. (Ảnh: Getty Image)
Một góc chụp rất đẹp về chùa Swayambhu (Chùa Khỉ) cũng là ngôi chùa chính diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày lễ Phật đản. (Ảnh: Getty Image)
Tại Myanmar, hoạt động nổi bật nhất trong ngày Phật Đản là lễ tưới cây bồ đề được tổ chức khắp các tỉnh thành trong cả nước. (Ảnh: Getty Image)
Đây là tháng nóng nhất trong năm. Nên trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân nơi đây, với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ-đề. Họ tưới cây Bồ-đề để cảm ơn giống cây này đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ. (Ảnh: Getty Image)
Một tín đồ Phật giáo nhỏ tuổi dự lễ Vesak tại chùa Shwedagon năm 2015. (Ảnh: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)
Chùa Shwedagon hay Chùa Vàng ở Yangon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanma và cũng là ngôi chùa đón nhiều người đến hành hương vào Đại lễ Phật đản. (Ảnh: R.M. Nunes/Shutterstock)
Tại Sri Lanka, Phật giáo là quốc giáo. Thời gian lễ hội Vesak, người dân được nghỉ lễ. Trong ảnh là ngôi chùa Gangaramaya ở Sri Lanka đẹp huyền bí linh thiêng trong suốt những ngày diễn ra đại lễ Vesak. (Ảnh: Nazly Ahmed)
Chiếc lồng đèn với hình ảnh Đức Phật bên trong. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Năm 2017, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 14 diễn ra tại Sri Lanka và thành công tốt đẹp.
Tại Indonesia, ngày lễ Phật đản được gọi là ngày Waisak và là ngày nghỉ lễ quốc gia mỗi năm, chính thức kể từ năm 1983, được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Tại đền Borobudur (Ba La Phù đồ), hàng ngàn nhà sư Phật giáo sẽ hội tụ với nhau để tụng các câu thần chú và câu kinh trong một nghi lễ gọi là “Pradaksina”. Trong ảnh là những nhà sư đi quanh ngôi đền đền Borobudur trong ngày lễ Vesak. (Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images)
Các nhà sư kỷ niệm ngày đặc biệt với việc hứng nước thánh (tượng trưng cho sự khiêm tốn) và vận chuyển ngọn lửa (tượng trưng cho ánh sáng và giác ngộ) từ vị trí này đến vị trí khác. (Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images)
Các nhà sư thả đèn lồng lên không trung vào đại lễ Phật đản. (Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images)
Tại Hàn Quốc, Ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia. Ngày này được gọi là “Seokga tansinil”, có nghĩa là “Phật đản” hoặc “Bucheonim osin nal” có nghĩa là “ngày Đức Phật đến”, bây giờ đã phát triển thành một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất tại xứ sở kim chi. (Ảnh: Getty Images)
Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công cộng, và trên những đường phố ở Hàn Quốc. Trưng bày và diễn hành lồng đèn là một trong những chương trình ấn tượng và gây nhiều xúc cảm nhất. (Ảnh: Getty Images)
Lễ hội lồng đèn (Yeon Deung Hoe) thường kéo dài 1 tuần cho đến ngày chính thức Phật đản. (Ảnh: AP Photo/Ahn Young-joon)
(Ảnh: AP Photo/Ahn Young-joon)
(Ảnh: AP Photo/Ahn Young-joon)
(Ảnh: Getty Images)
Tại Singapore, vào ngày lễ Phật đản, những người mộ đạo tụ họp tại nhiều ngôi chùa khác nhau trước bình minh để làm lễ. Các tượng phật sẽ được chiếu sáng rực rỡ trong suốt thời gian diễn ra đại lễ Vesak và lễ rước đèn sẽ là hoạt động cuối cùng trước khi kết thúc buổi lễ.
Thái Lan là quốc gia Phật giáo đã 5 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là ngày lễ quốc gia và là dịp quan trọng để tín đồ Phật giáo Thái Lan thể hiện lòng thành kính đến Phật.
Ở Thái Lan, lễ Phật đản được gọi là lễ Visakha Bucha.
Nhà sư Thái Lan thực hiện nghi lễ thắp nến vào ngày lễ Phật đản tại Phan Tao Temple, Chiangmai năm 2013. (Ảnh: Shutter Stock)